Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của huyện Cẩm Giàng SVIP
(4.0 điểm) Đọc bài thơ sau:
GIỮA QUÊ LÒNG BỖNG NHỚ QUÊ
Giữa quê lòng bỗng nhớ quê
Nhớ mưa thánh thót, chiều nghe thu vàng
Nhớ bông súng nở ao làng
Nở như sao sáng trên làn nước xanh
Nhớ màu khói tỏa mong manh
Vấn vương mái rạ mà thành ca dao
Ai đang xin lửa qua rào
Có nghe tiếng sáo diều chao lưng trời...
Mình ngồi tưởng tượng cho vui
Hồn quê theo khói lên trời từ lâu!
(Chử Văn Long, baovannghe.com.vn, 29/9/2020)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,5 điểm): Cho biết đề tài và nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 2 (0,5 điểm): Nêu những hình ảnh của quê hương được tác giả nhắc đến trong đoạn thơ sau:
Nhớ bông súng nở ao làng
Nở như sao sáng trên làn nước xanh
Nhớ màu khói tỏa mong manh
Vấn vương mái rạ mà thành ca dao
Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai câu thơ sau:
Ai đang xin lửa qua rào
Có nghe tiếng sáo diều chao lưng trời...
Câu 4 (1,0 điểm): Giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ.
Câu 5 (1,0 điểm): Qua bài thơ, em hãy nêu vai trò của quê hương đối với mỗi người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm):
– Đề tài: Quê hương.
– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người con đang ở quê hoặc đi xa nay trở về quê hương hoặc “mình”.
Câu 2 (0,5 điểm): Những hình ảnh về quê hương được nhắc tới trong đoạn thơ là: bông súng, ao làng, làn nước xanh, màu khói, mái rạ.
Câu 3 (1,0 điểm):
– Học sinh nêu BPTT: Ẩn dụ: nghe tiếng sáo diều chao lưng trời.
– Tác dụng:
+ Làm câu thơ giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn, tăng sức gợi hình, gợi cảm: Âm thanh tiếng sáo diều không chỉ được nghe thấy, mà còn được “nhìn thấy” qua hình ảnh cánh diều chao liệng trên bầu trời.
+ Khắc họa khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả, gợi lên những cảm xúc nhẹ nhàng, thư thái trong lòng người đọc.
+ Nhấn mạnh nỗi nhớ, tình yêu quê hương sâu sắc, sự trân trọng và khát vọng gìn giữ những giá trị văn hóa đẹp đẽ của quê hương.
Câu 4 (1,0 điểm):
– Nhận xét: Nhan đề Giữa quê lòng bỗng nhớ quê là một nhan đề giàu ý nghĩa, gợi mở nhiều cảm xúc và suy ngẫm.
– Các ý nghĩa chứa đựng trong nhan đề:
+ Tạo ra một sự nghịch lý thú vị: Giữa quê (đang ở quê hương) nhưng lòng bỗng nhớ quê. Điều này gợi lên sự xa cách về tinh thần, dù thể xác đang ở nơi quê nhà.
+ Gợi lên sự hoài niệm về một quê hương đẹp đẽ, bình yên trong quá khứ, cho thấy tác giả đang tiếc nuối những giá trị xưa, những ký ức đẹp đẽ của quê hương.
+ Gợi sự tò mò, muốn khám phá xem vì sao tác giả lại nhớ quê khi đang ở giữa quê, và nỗi nhớ đó được thể hiện như thế nào trong bài thơ.
+ Góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm: Tình yêu quê hương mãnh liệt của tác giả.
=> Như vậy: Nhan đề Giữa quê lòng bỗng nhớ quê giàu ý nghĩa, thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc, sự hoài niệm về một quê hương đẹp đẽ trong ký ức, đồng thời khơi gợi những suy tư về sự thay đổi của quê hương trong dòng chảy thời gian.
Câu 5 (1,0 điểm):
HS có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý:
– Bài thơ giúp ta thấy quê hương có vai trò rất quan trọng đối với mỗi người:
+ Quê hương không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nguồn cội, là nơi gắn bó với những kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên trong lòng mỗi người.
+ Quê hương bồi đắp cho mỗi người những tình cảm cao quý như tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình thầy trò, tình bè bạn,... Những tình cảm này giúp con người thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước.
+ Quê hương là điểm tựa tinh thần vững vàng cho mỗi con người trong mọi hoàn cảnh: Mang đến cảm giác bình yên, ấm áp, giúp xua tan những muộn phiền, vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng ước mơ.
+ Quê hương là động lực giúp mỗi người biết vươn lên học tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức để đóng góp phần nhỏ bé công sức xây dựng quê hương.
+ Quê hương với những phong tục tập quán tốt đẹp khơi niềm tự hào trong mỗi người.
+ Quê hương góp phần hình thành nên nhân cách, lối sống và bản sắc của mỗi người.
+ ...
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn cảm nhận của em về nhân vật ông ngoại trong đoạn trích sau:
ÔNG NGOẠI
(Lược phần đầu: Người nhà Dung đi nước ngoài, Dung sang ở với ông ngoại. Ban đầu Dung không hòa nhập được với cuộc sống mới, than thở với mẹ và người mẹ khuyên cố gắng chăm ông thay mẹ...)
Dung anh ách lái xe về nhà ngoại, cậu đi để lại chiếc Chaly màu xanh, Dung dùng đi học. Hồi sáng này, ông ngoại dắt xe ra đến cửa Dung hỏi:
– Ngoại định đi đâu?
– Ông lên quận một chút.
Dung ngăn:
– Thôi, ngoại già rồi, không nên lái xe, có đi, con chở ông đi.
Ông tỏ vẻ giận, quầy quả vào nhà. Ôi, người già sao mà khổ đến vậy.
Thế nghĩa là có hai thế giới ở trong ngôi nhà. Thế giới của ông là mấy ông bạn già, là mấy chồng nhựt báo, là cái radio đâu hồi còn đánh nhau, là trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái. Thế giới của Dung là tiếng nhạc gào thét xập xình, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay. Sáng nó dậy thật sớm để nấu cơm, sau đó đi học, chiều lại học, buổi tối nó vù xe đến bạn chơi hoặc về nhà nghe mấy đứa em cãi nhau ỏm tỏi. Hai thế giới vừa giành giựt vừa hoà tan nhau.
[...]
Có những sự thay đổi Dung không thể ngờ được. Bây giờ mỗi đêm Dung trở mình nghe ông ngoại ho khúc khắc. Nghe cây mai nhỏ nứt mình, nảy chồi. Dung nghiện hương trầm tối tối ông thắp lên bàn thờ bà ngoại. Lắm khi lũ em Dung sang, chúng nó phá phách quậy tung cả lên, Dung mắng, chúng nó trề môi “Chị hai khó như một bà già”, Dung giật mình. Có lẽ quen với cái tĩnh lặng trong sân mà mỗi chiều Dung giúp ông tưới cây, cái khoảng không xanh lạc lõng trong khói bụi, đâu đó, trên tàng me già, dăm chú chim hót líu lo Dung quen dáng ông ngoại với mái tóc bạc, với đôi mắt hõm, cái cằm vuông, quen mỗi tháng một lần cọc cạch lên phường nhận lương hưu. Có một điều Dung ngày càng nhận ra tiếng ho của ông ngày càng khô và rời rạc như lời kêu cứu. Chủ nhật Dung cắm cúi lau chùi bên dàn karaoke phủ bụi, ông đứng lên nheo mắt:
– Sao con không hát, con hát rất hay mà. Dung thoáng ngỡ ngàng, nó hỏi:
– Ngoại có thích nghe không?
Rồi mở máy. Hôm ấy Dung rất vui, lần đầu tiên nó hát cho riêng ông nghe và quan trọng nhất là ông đã ngồi lại đấy, gật gù.
(Trích truyện ngắn Ông ngoại – Nguyễn Ngọc Tư, Nhà xuất bản Trẻ, 2001)
* Chú thích
(1) Tác giả Nguyễn Ngọc Tư: Là nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam được biết đến với phong cách viết giản dị nhưng sâu sắc, mang đậm chất Nam Bộ và thường tập trung vào những câu chuyện về đời sống người dân miền Tây sông nước.
(2) Truyện ngắn "Ông ngoại":
– Đây là một tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh chủ đề tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình.
– Câu chuyện xoay quanh nhân vật Dung, một cô gái trẻ sống cùng ông ngoại sau khi gia đình đi nước ngoài. Ban đầu, hai ông cháu có khoảng cách rõ rệt do lối sống và tuổi tác. Tuy nhiên, qua thời gian, Dung dần thấu hiểu và hòa nhập với ông, từ đó thấy quý trọng những giá trị tinh thần và tình cảm gia đình.
Câu 2 (4,0 điểm): Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Học sinh phải làm gì để vượt qua áp lực học tập và thi cử?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng hợp,...
b. Xác định đúng yêu cầu: Nghị luận về một khía cạnh trong đoạn thơ.
c. Triển khai nội dung đoạn văn:
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác phân tích, đánh giá,... Trong đó, cần đảm bảo một số nội dung sau:
c1. Mở đoạn
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn Ông ngoại.
– Khái quát về nhân vật ông ngoại: Là một người giàu tình cảm, gắn bó với truyền thống, có lòng tự trọng cao và là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình.
c2. Thân đoạn
* Ý 1: Khái quát
– Truyện ngắn Ông ngoại của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh câu chuyện về Dung – một cô gái trẻ phải chuyển đến sống cùng ông ngoại khi gia đình đi nước ngoài.
– Nhân vật ông ngoại được khắc họa là một người già giàu tình cảm nhưng ít bộc lộ, gắn bó với truyền thống, có lòng tự trọng cao và đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của Dung.
* Ý 2: Trình bày luận điểm
– Ông ngoại tuổi cao và sức yếu: mái tóc bạc, với đôi mắt hõm, cái cằm vuông, ho khúc khắc mỗi đêm.
– Ông ngoại luôn giữ gìn những giá trị truyền thống, thích sự yên bình, giản dị: Thế giới của ông là mấy chồng nhật báo, là cái radio đâu hồi còn đánh nhau, là trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái, có thói quen thắp hương trầm vào buổi tối, thể hiện sự gắn bó với truyền thống gia đình và đời sống tâm linh.
– Ông ngoại là người giàu lòng tự trọng, không muốn làm phiền con cháu: Tự lái xe lên quận, tự mình lên phường nhận lương hưu mỗi tháng, không nhờ Dung giúp, thể hiện sự độc lập và tự trọng.
– Ông ngoại yêu cháu và là cầu nối giữa các thế hệ:
+ Ông động viên Dung hát, gật dù lắng nghe Dung hát.
+ Nhờ ông mà Dung dần dần thấu hiểu và hòa nhập với ông, từ đó thấy quý trọng những giá trị tinh thần và tình cảm gia đình: Nghe ông ngoại ho khúc khắc; nghe cây mai nhỏ nứt mình, nảy chồi; nghiện hương trầm tối tối ông thắp lên bàn thờ bà ngoại,...
* Ý 3: Đánh giá
– Truyện Ông ngoại với ngôn ngữ giản dị, xây dựng nhân vật qua hành động, lời nói, suy nghĩ, truyện không có những tình tiết kịch tính nhưng lại chạm đến cảm xúc và mang đến cho người đọc những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm gia đình thiêng liêng, đặc biệt là mối quan hệ giữa các thế hệ trong một mái nhà.
– Nhân vật ông ngoại trong đoạn trích là một hình mẫu người ông đáng kính trọng và yêu mến. Ông là biểu tượng của tình yêu thương, sự kiên nhẫn, sự tinh tế và lòng tự trọng.
c3. Kết đoạn
– Khẳng định lại hình ảnh ông ngoại: một người giàu tình cảm, gắn bó với truyền thống, có lòng tự trọng và là cầu nối giữa các thế hệ.
– Bài học rút ra: Cần trân trọng và yêu thương người thân khi họ còn bên cạnh.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về đối tượng; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm):
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Học sinh trình bày bài văn đảm bảo bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Học sinh cần làm gì để vượt qua áp lực học hành và thi cử.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để phân tích, đánh giá vấn đề.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng đảm bảo các ý sau:
I. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề: Áp lực học tập và thi cử là một thực tế mà hầu hết học sinh đều phải đối mặt trong quá trình học tập.
– Nêu vấn đề nghị luận: Học sinh cần biết vượt qua áp lực học hành và thi cử.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Áp lực học hành và thi cử là trạng thái căng thẳng, lo lắng của học sinh do yêu cầu cao trong học tập và kỳ vọng từ gia đình, nhà trường, xã hội.
– Áp lực có thể đến từ việc đạt điểm số cao, vượt qua kỳ thi quan trọng, giữ vững thành tích học tập,...
2. Bàn luận
2.1. Thực trạng
– Học sinh chịu áp lực từ nhiều phía: Khối lượng kiến thức lớn, chương trình học ngày càng nặng; sự kỳ vọng cao từ cha mẹ, giáo viên, xã hội; sự cạnh tranh trong lớp học, giữa các trường, trong các kỳ thi quan trọng.
– Những biểu hiện của áp lực học tập: Căng thẳng, lo lắng, bồn chồn, khó tập trung, hoặc mất ngủ. Áp lực học tập kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số học sinh có thể cảm thấy chán nản, không còn hứng thú với việc học. Trong trường hợp nghiêm trọng, áp lực học hành có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.
2.2. Nguyên nhân
– Từ phía nhà trường và chương trình giáo dục: Chương trình học nặng, yêu cầu cao; áp lực từ các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT,...
– Từ gia đình: Cha mẹ thường đặt ra những kỳ vọng lớn về thành tích học tập của con em mình, tạo ra áp lực phải đạt điểm cao, thi đỗ vào các trường danh tiếng, so sánh con cái với bạn bè; quan niệm “học giỏi mới có tương lai” khiến học sinh bị áp lực.
– Từ bản thân học sinh: Thiếu kỹ năng quản lý thời gian, chưa có phương pháp học tập hiệu quả; tâm lý lo sợ thất bại, sợ thua kém bạn bè.
2.3. Hậu quả
– Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần: Căng thẳng, lo âu, trầm cảm.
– Ảnh hưởng đến thể chất: Mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể.
– Giảm động lực học tập, chán nản, mất hứng thú với việc học.
– Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực.
2.4. Ý kiến trái chiều và phản biện
– Ý kiến trái chiều: Áp lực giúp học sinh có động lực cố gắng hơn hay học sinh cần chịu áp lực để thích nghi với xã hội.
– Phản biện: Áp lực chỉ thực sự có lợi khi ở mức độ vừa phải. Khi áp lực quá lớn, nó có thể phản tác dụng, khiến học sinh kiệt sức. Áp lực không phải là cách duy nhất để rèn luyện bản lĩnh. Học sinh cần được hỗ trợ để phát triển toàn diện, thay vì bị đè nặng bởi áp lực học tập.
3. Giải pháp
3.1. Quản lý thời gian và xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả
– Lập thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa học và nghỉ ngơi.
– Không học nhồi nhét, tránh thức khuya học bài.
3.2. Thay đổi tư duy về học tập và thi cử
– Xem thi cử là một cơ hội kiểm tra năng lực, không phải là áp lực phải đạt điểm cao.
– Hiểu rằng kết quả học tập không phải là yếu tố duy nhất quyết định tương lai.
– Tự tin vào khả năng của bản thân, không so sánh mình với người khác.
3.3. Xây dựng phương pháp học tập phù hợp
– Học tập chủ động, hiểu bài thay vì học vẹt.
– Ghi chép khoa học, hệ thống hóa kiến thức.
– Học đi đôi với hành, học theo sơ đồ,...
– Luyện tập các dạng đề thi để làm quen với áp lực phòng thi.
– Tích cực tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu.
3.4. Rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
– Thường xuyên tập thể dục, tham gia các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, thiền,...
3.5. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, thầy cô khi cảm thấy áp lực
– Chia sẻ với cha mẹ để cha mẹ hiểu và thay đổi quan điểm, giảm bớt áp lực cho con cái.
– Tìm sự tư vấn, hỗ trợ tâm lý từ thầy cô.
– Cùng thầy cô, bè bạn xây dựng môi trường học tập thân thiện, không tạo áp lực điểm số quá mức.
* Gợi ý dẫn chứng:
+ Nick Vujicic – Tấm gương vượt qua nghịch cảnh để học tập và thành công: Nick Vujicic sinh ra không có tay và chân nhưng anh không để điều đó cản trở việc học tập và phát triển bản thân. Khi còn nhỏ, anh từng bị trầm cảm và cảm thấy áp lực nặng nề do sự kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, thay vì buông xuôi, Nick đã tìm cách rèn luyện tư duy tích cực, đặt mục tiêu rõ ràng và kiên trì theo đuổi ước mơ. Nhờ đó, anh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán – Tài chính và trở thành một diễn giả nổi tiếng, truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
+ Đỗ Nhật Nam – Tấm gương học sinh Việt Nam biết cân bằng học tập và cuộc sống: Đỗ Nhật Nam là một học sinh Việt Nam nổi tiếng với thành tích học tập xuất sắc từ nhỏ. Cậu từng đạt điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế và được nhận vào nhiều trường danh giá ở Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Nam từng chia sẻ rằng cậu cũng chịu không ít áp lực từ việc học và kỳ vọng của mọi người.
+ Edison – nhà phát minh vĩ đại người Mỹ: Ông đã tự xây dựng phương pháp học tập riêng phù hợp với bản thân, giúp ông trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất lịch sử. Đó là học qua thực hành, tự học và tìm tòi, tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời.
4. Liên hệ bản thân
– Bản thân cũng từng trải qua những giai đoạn áp lực học tập.
– Sau đó đã điều chỉnh và vượt qua được áp lực.
III. Kết bài
– Khẳng định sự cần thiết của việc vượt qua áp lực học tập và thi cử.
– Bài học của bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.