Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của quận Hai Bà Trưng SVIP
(4,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện những yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
NGÔI SAO
Bố đi công tác vắng, bà Tâm bị ốm phải đi bệnh viện đúng vào dịp rằm tháng tám. Nhà có người ốm nên ai cũng bận bịu. Hằng ngày, đi làm về mẹ lại vào bệnh viện săn sóc bà nên Trung thu đến mà mẹ không chuẩn bị tết rằm cho bé được như mọi năm. Nhưng bé cũng có một mâm cỗ nhỏ: một quả bưởi vỏ khía thành tám cánh hoa, mỗi cánh hoa cài một quả ổi chín, để bên cạnh một nải chuối ngự và bó mía tím. Tâm rất thích mâm cỗ, em đem mấy thứ đồ chơi bày chung quanh nom rất vui mắt.
Chiều, rồi đêm xuống. Trẻ con bên hàng xóm bập bùng trống ếch, rước đèn ông sao, đèn múi khế, đèn lồng,... thì Tâm lại thấy mâm cỗ của mình không thích bằng. Tâm bỏ mâm cỗ, chạy đi xem đèn. Trong tất cả các đèn, Tâm thích nhất cái đèn ông sao của bạn Hà bên hàng xóm. Cái đèn làm bằng giấy bóng kính đỏ, trong suốt. Ngôi sao được gắn vào giữa vòng tròn có những tua giấy đủ các màu (ý là ngôi sao ở trong bầu trời đấy). Trên đầu ngôi sao cắm ba lá cờ con. Hà còn lấy một tấm ảnh Bác Hồ dán vào giữa ngôi sao. Nến thắp lên trông Bác hồng hào như đang cười với các cháu! Tâm thích cái đèn quá! Nhưng đã tối rồi, mẹ đang ở trong bệnh viện với bà, không ai đi mua đèn cho Tâm được nữa. Thế là Tâm không có đèn. Tâm cứ đi bên cạnh Hà. Mắt không rời cái đèn. Hà cũng biết là bạn mình thích nên thỉnh thoảng Hà lại đưa cho Tâm cầm một lúc, cứ thế cả hai đứa cùng cầm chung cái đèn, reo: “Tùng tùng tùng dinh dinh...”.
Mẹ Hà ngồi chơi bên cửa nhìn thấy thế thì gọi con lại, bảo:
– Bố Tâm đi công tác vắng nhà, bà lại ốm, mẹ không có nhà, chưa mua được đèn cho Tâm, con với bạn chơi chung. Chốc nữa chơi xong, con đưa cho bạn đem về treo ở nhà bạn con nhé!
Hà nghĩ một tí rồi gật đầu:
– Vâng ạ!
Đêm gần khuya, cuộc rước đèn tản dần, Hà đưa đèn ông sao cho bạn. Thấy Tâm không nhận, mẹ Hà bảo:
– Cháu cứ cầm đèn về nhà thì mai bác mới cho Hà sang nhà cháu chơi bày cỗ. Thế là Tâm nhận đèn. Đôi bạn nhỏ chia tay nhau bịn rịn.
Hà về nhà đi ngủ. Trong giấc ngủ, em mơ thấy một cô tiên có đôi cánh màu hồng bay đến bên giường, giơ tay vuốt tóc Hà và nói một câu gì đó mà Hà nghe không rõ, Hà vùng dậy, chạy theo. Cô tiên bay ra ngoài cửa sổ. Hà choàng tỉnh dậy, mở mắt nhìn quanh. Chỉ có mẹ ngồi bên cạnh em và trong buồng tối om om. Một vệt ánh sáng từ ngoài cửa sổ hắt vào. Hà nhìn ra ngoài cửa sổ. Ô, lạ chưa, một ngôi sao ở ven trời đang bay vào cửa sổ nhà em! Một ngôi sao vàng óng đứng giữa những chấn song tỏa ra một vòng ánh sáng màu vàng dịu. Gió thổi rung rinh.
– Mẹ ơi, có ngôi sao bay vào nhà mình!
Hà gọi. Nhưng mẹ đang ngủ say, không nghe. Hà nằm im nhìn ngôi sao rồi em ngủ thiếp đi trong những làn gió đầu thu mát.
Sáng hôm sau, Hà dậy sớm. Em vội vàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Ô, không phải là ngôi sao đâu, mà là một cái đèn, một cái đèn ông sao giống như cái đèn mà Hà cho Tâm tối hôm qua, chỉ có khác là cái đèn này làm bằng giấy bóng vàng.
– Mẹ ơi, cái đèn của ai treo ở cửa sổ nhà ta thế kia hả mẹ? – Hà hỏi mẹ.
– Đèn của con đấy! – Mẹ nói.
– Đèn của con à? – Hà ngạc nhiên tròn mắt nhìn mẹ.
– Đêm qua, mẹ bạn Tâm đi thăm bà, về mua cho Tâm, Tâm đem sang bảo cho con, con ngủ rồi nên mẹ treo lên cửa sổ.
– Ô, thế mà con lại tưởng có một ngôi sao bay vào nhà mình xem cỗ trung thu!
Hà reo lên rồi ngồi im nhìn cái đèn rực rỡ trong ánh nắng vàng. Em bỗng nghĩ không biết là tối qua Tâm có nhìn thấy ngôi sao bay vào trong cửa sổ nhà Hà không. Mà Tâm có thấy thì chắc là thấy một ngôi sao đỏ.
(Nguyễn Thị Ngọc Tú, trích “Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau Cách mạng tháng Tám”, NXB Giáo dục, 2005)
Câu 1 (1,0 điểm):
a. Xác định ngôi kể được sử dụng trong tác phẩm.
b. Xét theo mục đích nói, câu “Chiều, rồi đêm xuống.” thuộc kiểu câu gì?
Câu 2 (1,0 điểm): Khi thấy Tâm và Hà chơi chung đèn, mẹ Hà đã dặn dò con như thế nào? Qua đó, em hiểu gì về nhân vật người mẹ?
Câu 3 (1,0 điểm): Trong tác phẩm, “ngôi sao” không chỉ là chiếc đèn trung thu mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Theo em, hình ảnh “ngôi sao” tượng trưng cho điều gì? Em hãy lí giải ngắn gọn cho câu trả lời của mình bằng chi tiết từ tác phẩm.
Câu 4 (1,0 điểm): Trong khoảng 3 – 5 câu văn, em hãy viết về bài học ý nghĩa nhất mà em nhận được từ tác phẩm.
Hướng dẫn giải:
Câu 1:
− Ngôi kể: Ngôi thứ ba.
− Kiểu câu theo mục đích nói: Câu trần thuật.
Câu 2:
− Mẹ Hà dặn Hà: "Chốc nữa chơi xong, con đưa cho bạn đem về treo ở nhà bạn con nhé!".
(HS không cần dẫn y nguyên lời dặn mà tường thuật lại bằng lời văn của mình cũng được toàn bộ điểm của ý này, nếu đúng.)
Câu 3:
− Hình ảnh ngôi sao tượng trưng cho:
+ Tình bạn đẹp: Ngôi sao tượng trưng cho sự sẻ chia tấm lòng ấm áp của Hà dành cho Tâm khi nhường chiếc đèn.
+ Niềm hi vọng và ước mơ: Hình ảnh ngôi sao gợi lên những ước mơ tuổi thơ, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống (Tâm rất thích ngôi sao của Hà,…).
+ Tình yêu thương: Sự quan tâm và tấm lòng nhân hậu của mọi người (mẹ Hà, mẹ Tâm), giúp trẻ em cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương,…
(HS nêu 2/3 ý (bao gồm ý thứ nhất và một trong 2 ý còn lại) được toàn bộ số điểm nhưng phải có lí giải bằng chi tiết trong văn bản.)
Câu 4:
– Hình thức: 3 – 5 câu.
– Nội dung: Nêu được bài học ý nghĩa nhất mà truyện đem đến cho bản thân và lí giải.
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Hà trong tác phẩm “Ngôi sao” được dẫn ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm): Trong cuộc sống, con người luôn đứng trước sự lựa chọn giữa việc cho đi – sẻ chia với người khác và giữ lại cho riêng mình. Có ý kiến cho rằng: “Cho đi chính là cách tạo ra hạnh phúc”, nhưng cũng có quan điểm khác nhấn mạnh: “Để tạo ra hạnh phúc, biết giữ lại cho mình cũng là điều cần thiết”. Em đồng tình với quan điểm nào? Hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ) thể hiện quan điểm của em.
Hướng dẫn giải:
Câu 1:
a. Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng: (0,25 điểm)
Bảo đảm yêu cầu hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp hoặc phối hợp,…
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25 điểm)
Phân tích nhân vật Hà trong truyện “Ngôi sao”.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu: (1,0 điểm)
− Đặc điểm của nhân vật: HS phân tích được đặc điểm của nhân vật, có thể là: Trong sáng, nhạy cảm/ tốt bụng, nhân hậu,…
− Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Ngôi kể thứ ba thể hiện sự đánh giá khách quan, miêu tả nhân vật qua hành động, nội tâm,… khiến nhân vật hiện lên tự nhiên, thuyết phục.
− Ý nghĩa của hình tượng nhân vật: Khơi dậy những tình cảm trong sáng; lan toả tình yêu thương và sự sẻ chia.
d. Diễn đạt: (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: (0,25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2:
a. Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng: (0,25 điểm)
Bảo đảm yêu cầu về bố cục ba phần và dung lượng (khoảng 400 chữ).
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,5 điểm)
Quan điểm về việc cho đi – sẻ chia và giữ lại.
(HS có thể chọn đồng tình với 1 trong 2 quan điểm hoặc cả 2 quan điểm miễn là lập luận thuyết phục.)
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu: (2,5 điểm)
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề, nêu quan điểm của bản thân về vấn đề.
* Thân bài:
– Giải thích: Chọn giải thích khái niệm cần thiết cho việc bàn luận. Có thể giải thích:
+ “Cho đi”: Là chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không mong đợi điều gì đáp lại.
+ “Giữ lại”: Là bảo vệ, giữ gìn những gì quan trọng đối với bản thân, không chia sẻ hoặc hi sinh tất cả những gì mình có.
– Bàn luận: Vì sao cho đi tạo ra hạnh phúc? Vì sao giữ lại cũng là điều cần thiết?
Có thể theo hướng:
+ “Cho đi là cách tạo ra hạnh phúc”: Sự chia sẻ và hành động nhân ái mang lại niềm vui cho người khác; nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực cho bản thân,...
+ “Giữ lại cũng cần thiết”: Giữ sức khỏe, thời gian, cảm xúc, hoặc các giá trị cá nhân,... giúp duy trì sự ổn định, cân bằng; lòng tự trọng và không làm mất đi những điều quý giá. Nếu chỉ cho đi mà không biết giữ lại, chúng ta có thể bị kiệt sức, mất cân bằng hoặc bị lợi dụng.
+ Cần linh hoạt trong những tình huống cụ thể: Để làm chủ được cả hai yếu tố “cho đi” và “giữ lại”, chúng ta cần linh hoạt và biết chọn thời điểm, tình huống phù hợp. Đôi khi, việc cho đi là điều tốt nhất và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, nhưng trong một số tình huống, việc giữ lại lại quan trọng hơn để bảo vệ bản thân hoặc tránh bị lợi dụng. Việc cân nhắc và biết khi nào nên cho đi và khi nào cần giữ lại là yếu tố quan trọng giúp chúng ta duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
+ Dẫn chứng thực tế: Người làm từ thiện, câu chuyện về lòng tốt và sự bảo vệ bản thân.
– Bàn luận mở rộng: (HS có thể bàn theo nhiều hướng, miễn hợp lí và làm sâu sắc thêm vấn đề.)
* Kết bài: Khẳng định quan điểm của bản thân về vấn đề.
d. Diễn đạt: (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: (0,5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có cách diễn đạt mới mẻ.