Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Huế SVIP
Đọc bài thơ sau:
Bầy chim sẻ có nhìn thấy tôi không?
Nguyễn Phong Việt
Bầy chim sẻ bị nhốt trong chiếc lồng và chở đi trên phố
cứ ríu rít kêu mãi không thôi
Tôi đi trong dòng người
liếc ngang liếc dọc
nhìn những con chim sẻ thất thần, rụng lông, ngơ ngác
rồi nhìn ra chung quanh…
Những con chim sẻ không được bay trong bầu trời xanh
một điều nghịch lý
bạn bè tôi nhiều khi phải sống không theo cách mình nghĩ
một điều bình thường?
Rồi những con chim sẻ sẽ được phóng sinh
một người đi bên cạnh tôi bảo thế
cuộc đời mà lẽ ra nó được hưởng với mây, mưa và gió…
chẳng cần đợi một bàn tay cứu rỗi nào
Bầy chim sẻ bị nhốt trong chiếc lồng
có nhìn thấy được tôi đâu?
(Theo Văn học và Tuổi trẻ, số 2 năm 2013, tr.51)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Điều nghịch lý nào được đề cập đến trong bài thơ?
Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra ý nghĩa của hình tượng chiếc lồng trong bài thơ.
Câu 4 (1,0 điểm): Trình bày tác dụng của nghệ thuật đối trong những câu thơ sau:
Những con chim sẻ không được bay trong bầu trời xanh
một điều nghịch lý
bạn bè tôi nhiều khi phải sống không theo cách mình nghĩ
một điều bình thường?
Câu 5 (1,0 điểm): Thông điệp nào trong bài thơ có ý nghĩa sâu sắc nhất với anh/chị? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm): Nhân vật trữ tình: Tôi.
Câu 2 (0,5 điểm): Điều nghịch lý trong bài thơ: Bầy chim sẻ không được bay trên bầu trời xanh.
Câu 3 (1,0 điểm): Hình tượng chiếc lồng trong bài thơ là biểu tượng cho những ranh giới ngăn cản con người; những điều tạo nên sự giam cầm, trói buộc sự tự do của con người.
Câu 4 (1,0 điểm):
Tác dụng của nghệ thuật đối:
– Tạo sự đăng đối, cân xứng để ngầm đối sánh giữa con chim sẻ bị giam cầm và những con người không được sống đúng với chính mình.
– Bộc lộ cảm giác cay đắng, day dứt, bất bình vì những ràng buộc cuộc sống đã làm con người sống giả tạo, đánh mất mình.
Câu 5 (1,0 điểm):
HS trả lời theo ý kiến cá nhân, miễn là phải nhận ra được thông điệp sâu sắc nhất với bản thân và lí giải hợp lí, thuyết phục. Có thể có nhiều cách trả lời, sau đây là một số gợi ý:
– Con người không nên tự nhốt mình trong những định kiến, ràng buộc khắt khe; cần thoát ra khỏi những giam cầm đó để sống cuộc đời của chính mình.
– Con người cần biết đấu tranh với những giả tạo trong cuộc sống, sống chân thành với mình và với người.
– Đừng trói buộc người khác bằng những lối mòn của định kiến; tôn trọng tự do và khác biệt của con người.
– …
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật trữ tình trong bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm):
Nhân vật Howard Roark trong tiểu thuyết Suối nguồn (tác giả Ayn Rand, NXB Trẻ, 2010) đã nói: Em không đứng ở điểm cuối của bất kì truyền thống nào. Em có thể đứng ở điểm khởi đầu của một truyền thống.
Là một người trẻ, anh/chị có suy nghĩ gì về quan niệm được thể hiện ở câu nói trên?
Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trả lời cho câu hỏi đó.
Chú thích: Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 tại Phú Yên, là nhà báo, nhà thơ có nhiều tập thơ tạo nên hiện tượng xuất bản, được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Anh đã ba lần đạt được giải “Bút mới” của báo Tuổi trẻ. Thơ của Nguyễn Phong Việt như những lời thủ thỉ nhẹ nhàng nhưng lại làm cho độc giả cảm nhận được rất nhiều điều về cuộc sống, về tình yêu cũng như những vấn đề trong đời sống con người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ ở phần Đọc hiểu.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Bầy chim sẻ có nhìn thấy tôi không?” của Nguyễn Phong Việt.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng để phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ. Sau đây là gợi ý:
c.1: Tâm trạng nhân vật trữ tình khi nhìn thấy bầy chim sẻ bị nhốt trong lồng:
– Thương cảm, xót xa cho những con chim thất thần, rụng lông, ngơ ngác.
– Đầy suy tư, day dứt, trăn trở khi nghĩ đến những điều phi lý của cuộc sống: chim không được bay trên bầu trời, con người không sống theo cách mình nghĩ.
– Suy ngẫm về chính mình, băn khoăn tự hỏi có phải mình cũng đang trong một chiếc lồng vô hình.
c.2: Tâm trạng của nhân vật trữ tình được chuyển tải qua hình thức nghệ thuật độc đáo:
– Thể thơ tự do phóng khoáng, linh hoạt.
– Xây dựng hệ thống hình tượng trong thế sóng đôi chim sẻ – con người để nêu lên những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống.
– Câu hỏi tu từ (từ nhan đề đến các câu thơ), nghệ thuật đối,… thể hiện cảm xúc đầy day dứt, trăn trở.
– …
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm): Viết bài văn nghị luận bàn về quan niệm sống khát khao tìm ra con đường đi mới, tự mình khởi phát, làm nên cái mới.
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Quan niệm sống khát khao tìm ra con đường đi mới, tự mình khởi phát, làm nên cái mới.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Quan niệm Em không đứng ở điểm cuối của bất kì truyền thống nào. Em có thể đứng ở điểm khởi đầu của một truyền thống.
– Thân bài:
* Giải thích:
+ Em không đứng ở điểm cuối của bất kì truyền thống nào: Không phụ thuộc vào cái cũ, không bị ràng buộc bởi bất kì điều gì.
+ Em có thể đứng ở điểm khởi đầu của một truyền thống: Tự mình tìm ra cái mới, tự mình khởi phát và làm ra cái mới.
=> Đây là quan niệm sống táo bạo, mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, cái tôi khát khao sáng tạo.
* Bàn luận:
+ Sống với khát khao mãnh liệt, luôn hướng đến sáng tạo cái mới chính là một động lực không thể thiếu của tuổi trẻ. Đó là lí tưởng cao đẹp dẫn dắt tuổi trẻ sẵn sàng dấn thân, cống hiến hết sức mình. Quan niệm sống ấy tạo nên ý nghĩa cao đẹp của người trẻ, đem lại cho họ cuộc đời nhiều màu sắc và giàu trải nghiệm.
+ Tuổi trẻ khao khát tạo ra cái mới là nguồn gốc của sự phát triển xã hội. Họ tạo nên cái mới tiến bộ hơn, tích cực hơn giúp xã hội ngày càng đi lên, càng tốt đẹp hơn.
+ Khát khao cái mới không phải luôn đồng nghĩa với việc khước từ, phủ nhận cái cũ. Cái mới không phải lúc nào cũng có ích và đem lại điều tốt đẹp, mà cần phải được kiểm nghiệm qua thực tế cuộc sống.
* Bài học:
+ Luôn xây dựng cho mình lí tưởng sống và khát khao tìm kiếm cái mới có ích, sống tích cực, tự tin, sẵn sàng trải nghiệm và không ngại dấn thân. Biết trân trọng những cái đã có và những gì thuộc về chân lí vĩnh hằng.
+ Tích cực học tập, rèn luyện để vững vàng về kiến thức; thực hành sáng tạo từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày.
+ Phê phán những quan niệm sống luôn tìm kiếm sự an toàn trong những cái cũ, sống nhút nhát, cùn mòn, triệt tiêu sự sáng tạo.
– Kết bài: Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.