Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên SVIP
Đọc đoạn trích sau:
Thưa mẹ!
Con về với mẹ đây
Những ngọn gió thổi qua vườn cuối hạ
Lá xôn xao những cánh thư thầm
Chiến tranh đã tắt cuối con đường
Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ
Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở
Con đã về, mẹ có thấy con không
Cỏ đã lên mầm trên những hố bom
Ôi Tổ quốc lại một lần đứng dậy
Gió thổi suốt bốn nghìn năm và mẹ
Nước mắt đầy trên những vết nhăn
Con đã về với mẹ, chiều nay
Mà mẹ không nhìn thấy
Con mèo thay con thức cùng với mẹ
Lặng im theo bóng mẹ lưng còng
Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin
Con ngủ quên dưới cánh rừng lá bạc
Khi gió thổi là con tỉnh giấc
Theo đường gió con về ngắm mẹ sau lưng.
(Trích Thư gửi mẹ – Nguyễn Quang Thiều, in trong Những mảnh ghép của huyền thoại, Nguyễn Thanh Tâm tuyển chọn, NXB Văn học, 2024, tr.367)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Trong cảm nhận của người con, người mẹ hiện lên qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về nội dung của khổ thơ sau?
Chiến tranh đã tắt cuối con đường
Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ
Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở
Con đã về, mẹ có thấy con không.
Câu 4. Trình bày hiệu quả của yếu tố tượng trưng trong hai câu thơ sau:
Cỏ đã lên mầm trên những hố bom
Ôi Tổ quốc lại một lần đứng dậy
Câu 5. Từ nội dung của đoạn trích trên, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình trong cuộc sống hôm nay (trình bày khoảng 5 – 7 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Số chữ trong các dòng không bằng nhau là dấu hiệu để xác định thể thơ tự do của đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm) Người mẹ hiện lên qua những từ ngữ, hình ảnh: nước mắt, vết nhăn, lưng còng,…
Câu 3 (1,0 điểm)
Nội dung của khổ thơ:
– Chiến tranh kết thúc, cuộc sống đã trở lại bình thường nhưng con đã hi sinh, linh hồn con nay trở về nhưng mẹ không thể nhìn thấy được.
– Thể hiện nỗi nhớ thương và đau xót của nhân vật trữ tình trước sự mất mát, chia lìa do chiến tranh gây ra.
Câu 4 (1,0 điểm)
Hiệu quả của yếu tố tượng trưng:
– Gợi sự hồi sinh, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, đất nước sau chiến tranh.
– Giúp lời thơ giàu hình ảnh và sức biểu cảm, tạo ấn tượng và liên tưởng cho người đọc.
Câu 5 (1,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích, thí sinh bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của hoà bình trong cuộc sống hôm nay. Có thể theo hướng:
– Tạo môi trường thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên.
– Gắn kết yêu thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau.
– Không gây ra những tổn thương dai dẳng, tổn thất nặng nề về vật chất và tinh thần.
– …
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật người con trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Hiện nay, việc ứng dụng các thiết bị thông minh vào quá trình học tập đang trở nên phổ biến nhưng không ít người lại phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị đó.
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật người con trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật người con trong đoạn trích.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
– Nhân vật người con trong đoạn trích chính là linh hồn của một người lính đã hi sinh trong chiến tranh.
– Chiến tranh đã đi qua, linh hồn ấy trở về quê hương thăm mẹ với bao nhớ thương, đau xót.
– Tình mẫu tử thống nhất với tình yêu Tổ quốc và niềm tin vào sức sống bất diệt của đất nước.
– Nhân vật người con được xây dựng một cách sáng tạo qua những hình ảnh thân thuộc, gần gũi, lời thơ da diết,...
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận bàn về thái độ và hành động của con người trước việc ứng dụng các thiết bị thông minh vào quá trình học tập.
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thái độ và hành động của con người trước việc ứng dụng các thiết bị thông minh vào quá trình học tập.
c. Viết bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
– Thân bài:
* Giải thích: Các thiết bị thông minh là các thiết bị công nghệ cao giúp con người kết nối và giải quyết các nhiệm vụ trong học tập cũng như trong cuộc sống.
* Bàn luận:
+ Việc ứng dụng các thiết bị thông minh vào quá trình học tập đang trở nên phổ biến vì sự tiện lợi và thiết thực của nó.
+ Tuy nhiên, khi con người phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị đó thì dễ dẫn đến những hậu quả khó lường về thể chất và tinh thần, tư tưởng và hành động.
+ Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, người trẻ cần không ngừng nâng cao năng lực sử dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các thiết bị thông minh trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống. Đồng thời, phải có bản lĩnh làm chủ trong việc ứng dụng các thiết bị đó để không bị phụ thuộc.
* Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.