Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình SVIP
(4,0 điểm) Đọc văn bản sau:
Lễ hội Hoa Lư: Hào khí một thuở, vang vọng ngàn năm
Trong dòng chảy bất tận của thời gian, với bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Hoa Lư vẫn còn đó vẹn nguyên giá trị trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể.
Quang cảnh lễ rước nước trên sông Hoàng Long. Theo Baoninhbinh.org.vn
Bản sắc văn hoá được tôn vinh
(1) Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9–11/3 âm lịch. Trong những ngày diễn ra Lễ hội, ước tính có hàng nghìn người dân, du khách thập phương cùng hội tụ về miền di sản để được đắm chìm trong không gian lễ hội linh thiêng. Người về trẩy hội được tham gia nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc.
(2) Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ truyền thống, tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thể hiện ước nguyện của Nhân dân cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi… thông qua các nghi thức: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, cầu siêu và các lễ hội hoa đăng, lễ tạ…
(3) Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: Trưng bày, triển lãm, chọi gà, cờ người, biểu diễn trống hội, cồng chiêng; các giải thể thao, giải vật dân tộc…
(4) Các hoạt động này đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình.
[…]
(5) Bà Trần Thị Đạt (thôn Yên Trạch, xã Trường Yên) chia sẻ: Xưa kia, Lễ hội Hoa Lư có tên là hội Trường Yên chỉ được tổ chức với quy mô cấp làng, cấp xã, song với những người dân Trường Yên và các vùng lân cận thì đó là một hoạt động tâm linh được chờ đợi nhất trong năm.
[…]
Hào khí Hoa Lư – động lực cho sự phát triển
(6) Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cho đến ngày nay, Lễ hội Hoa Lư – tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng của người dân Cố đô Ninh Bình.
(https://baoninhbinh.org.vn/le–hoi–hoa–lu–hao–khi–mot–thuo–vang–vong–ngan–nam–278730.htm)
Trả lời các câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (1,0 điểm). Văn bản trên cung cấp thông tin gì?
Câu 2 (1,0 điểm). Xác định phần dẫn trong đoạn văn (5) và cho biết phần đó được dẫn theo cách trực tiếp hay gián tiếp?
Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích hiệu quả biểu đạt của phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản trên.
Câu 4 (1,0 điểm). Là người con của quê hương Ninh Bình, theo anh/chị, thế hệ trẻ cần làm gì để tri ân các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công với đất nước?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (1,0 điểm). Văn bản trên cung cấp thông tin về Lễ hội Hoa Lư năm 2025, tỉnh Ninh Bình.
Câu 2 (1,0 điểm).
– Phần dẫn trong đoạn văn (5): Xưa kia, Lễ hội Hoa Lư có tên là hội Trường Yên chỉ được tổ chức với quy mô cấp làng, cấp xã, song với những người dân Trường Yên và các vùng lân cận thì đó là một hoạt động tâm linh được chờ đợi nhất trong năm.
– Phần đó được dẫn theo cách gián tiếp.
Câu 3 (1,0 điểm).
– Phương tiện phi ngôn ngữ: Hình ảnh lễ rước nước trên sông Hoàng Long tại Lễ hội Hoa Lư.
– Hiệu quả biểu đạt:
+ Nhấn mạnh và làm nổi bật thông tin, giúp người đọc hình dung được không gian linh thiêng và trang nghiêm của một trong những nghi lễ truyền thống của Lễ hội Hoa Lư.
+ Tăng tính sinh động, hấp dẫn cho văn bản.
+ Thể hiện niềm tự hào, trân trọng và mong muốn lan toả, giữ gìn những nghi lễ truyền thống của tác giả.
Câu 4 (1,0 điểm).
Gợi ý:
Những việc thế hệ trẻ cần làm để tri ân các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công với đất nước:
– Trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử của các vị tiên đế, các bậc tiền nhân.
– Tuyên truyền và quảng bá công lao to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng Đế, các vị tiên đế, các bậc tiền nhân tới bạn bè trong nước và quốc tế.
– Tích cực học tập, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện các kỹ năng để đóng góp công sức xây dựng và phát triển đất nước.
– …
Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) phân tích chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn sau:
BÀ TÔI
(Tóm lược phần đầu: Do xích mích cùng con trai và con dâu, bà của Minh – nhân vật “tôi”, chuyển đến sống cùng người em của mình. Tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của những người hàng xóm, “tôi” mới biết bà đang đi bán bỏng ở bến tàu).
Thì ra bà tôi lâu nay vẫn đi bán bỏng ngoài bến tàu. Khổ thân bà quá! Bà ơi, cháu thương bà lắm. Bà có nghe thấy tiếng cháu gọi thầm bà không? Lúc này bà làm gì, ở đâu? Sao bà không về với cháu đi bà!
Ôi, tôi như nhìn thấy bà tôi đang len lỏi đi dọc các toa tàu, giơ gói bỏng lên trước mặt hành khách nài nỉ: “Ông ơi, bà ơi mua bỏng giúp tôi đi!”. Nhưng con tàu vô tình cứ mang các hành khách chạy đi, để lại bà tôi tóc bạc, lưng còng, đứng chơ vơ giữa hai vệt đường ray... Chính tôi, tôi cũng vô tình như con tàu, tôi chẳng để ý gì đến bà tôi, tôi chỉ nghĩ đến những con quay, những quả bóng của tôi thôi! Nhiều lúc bà tôi đến chơi, mới ngồi với bà được một tí, tôi đã vội bỏ đi với những trò chơi của tôi rồi! Không, không thể để thế được. Tôi đã mười hai tuổi, lớn rồi, tôi cũng có quyền bàn chuyện nghiêm chỉnh với bố mẹ tôi chứ! Nghĩ rồi, tôi chạy ào xuống nhà. Tôi thấy mẹ tôi đang rửa bát, còn bố tôi đang xách nước lên.
– Bố mẹ ơi, – tôi gọi giục giã, – bố mẹ vào cả đây con có chuyện này muốn nói.
[...]
– ... Bố mẹ ơi, bố mẹ có thương bà không?
– Sao tự nhiên con lại hỏi thế? – Bố tôi hỏi lại tôi. – Mà bà làm sao kia mà thương?
– Bà chẳng làm sao cả. Bà đi bán bỏng ở bến tàu ấy, người ta bảo thế. Bố mẹ có biết không?
– Biết, – bố tôi có vẻ lúng túng, – nhưng thế thì sao.
– Còn sao nữa! – Tôi nghẹn ngào – Bà già rồi. Sao bố lại để bà như thế? Khổ thân bà!
– Bố có bắt bà phải thế đâu – mẹ tôi trả lời thay cho bố – vì bà thích thế chứ.
– Thích ư? Con chắc là bà chẳng thích đâu. Đời nào bà lại thích đi bán bỏng hơn ở nhà với con, với bố mẹ. Bà yêu thương bố mẹ và con lắm kia mà. Ôi, con cứ nghĩ đến những ngày nắng, ngày rét mà bà thì già thế, bà sao chịu nổi, bà ốm rồi bà chết như bà Thìn bên cạnh ấy thì sao. – Nói đến đây tôi oà lên khóc. – Ước gì bây giờ con đã lớn để con nuôi được bà!
Bố mẹ lặng lẽ nhìn tôi rồi lại nhìn nhau. Bố tôi đặt một bàn tay lên vai tôi rồi nói:
– Thôi con nín đi. Bố hiểu rồi. Con nín đi con!
Tôi cảm thấy giọng bố tôi hơi run và bàn tay nóng ran của bố truyền hơi nóng sang vai tôi. Mẹ tôi cũng nghẹn ngào:
– Con nói đúng, bố mẹ có lỗi với bà. Con đi ngủ đi, sáng mai bố mẹ sẽ xuống Vĩnh Tuy đón bà về đây. Gia đình ta lại sum họp như trước.
(Trích Bà tôi, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh, NXB Kim Đồng, 2024, tr. 56 – 65)
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm).
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
– Hình thức: Một đoạn văn, thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, song song.
– Dung lượng: Khoảng 200 chữ.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
Việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa:
– Thể hiện tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
– Mang đậm màu sắc riêng, nét đẹp riêng để không hòa lẫn với quốc gia, dân tộc khác.
– Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước với mọi người và bạn bè thế giới.
– Góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết, nhân ái, văn minh.
– …
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm).
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Bà tôi (Xuân Quỳnh).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Bà tôi và vấn đề nghị luận (chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện).
* Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau (phân tích theo 2 luận điểm lớn là chủ đề và đặc sắc nghệ thuật, phân tích lồng ghép nghệ thuật vào nội dung,…) có thể có những cảm nhận cá nhân không giống như đáp án, tuy nhiên cần có sức thuyết phục, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đảm bảo được các ý cơ bản sau:
– Chủ đề của truyện: Truyện ngắn Bà tôi thể hiện tình cảm gia đình giản dị mà thiêng liêng, sâu sắc; đề cao giá trị của tình thân, lòng hiếu thảo và trách nhiệm của mỗi người đối với những người thân trong gia đình.
+ Chủ đề ấy được thể hiện thông qua nhan đề, cốt truyện và hệ thống nhân vật trong truyện.
++ Nhan đề: Ngắn gọn, có ý nghĩa khái quát nội dung chủ đề của tác phẩm. Bà tôi không chỉ là cách gọi bà thân thương mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình, lòng biết ơn, sự hiếu kính và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với người bà.
++ Cốt truyện: Đơn giản, xoay quanh câu chuyện bà tôi đi bán bỏng ngoài bến tàu, khiến “tôi” lo lắng, thương bà, mong muốn bố mẹ đón bà về nhà để gia đình được sum họp bên nhau.
+ Chủ đề được thể hiện qua tình cảm, cảm xúc của “tôi” dành cho người bà.
++ Thương bà, xót xa khi biết bà đi bán bỏng ở bến tàu: Thì ra bà tôi lâu nay vẫn đi bán bỏng ngoài bến tàu. Khổ thân bà quá! Bà ơi, cháu thương bà lắm; nghĩ đến những ngày nắng, ngày rét mà bà thì già thế, bà sao chịu nổi, bà ốm rồi bà chết như bà Thìn bên cạnh ấy thì sao.
++ Ăn năn, hối lỗi về sự vô tâm của mình trước kia: Tôi cũng vô tình như con tàu, tôi chẳng để ý gì đến bà tôi,... Nhiều lúc bà tôi đến chơi, mới ngồi với bà được một tí, tôi đã vội bỏ đi với những trò chơi của tôi rồi!
++ Tình yêu thương bà lớn dần, thôi thúc “tôi” hành động và mong muốn làm điều tốt đẹp cho bà: Thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ về tình cảnh hiện tại của bà: Bố mẹ ơi, bố mẹ có thương bà không? Bà đi bán bỏng ở bến tàu ấy. Sao bố lại để bà như thế? Khổ thân bà!; thấu hiểu tình cảm của bà dành cho con cháu: Đời nào bà lại thích đi bán bỏng hơn ở nhà với con, với bố mẹ. Bà yêu thương bố mẹ và con lắm kia mà.; muốn lớn khôn để chăm sóc cho bà Ước gì bây giờ con đã lớn để con nuôi được bà!
–> “Tôi” là người cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, vô cùng yêu thương bà.
+ Chủ đề của truyện được thể hiện qua sự thay đổi trong nhận thức và tình cảm của bố mẹ:
++ Lời nói chân thành của “tôi” đánh thức cảm xúc và tình cảm trong lòng bố mẹ, bố mẹ đã có quyết định đúng đắn: Con nói đúng, bố mẹ có lỗi với bà, sáng mai bố mẹ sẽ xuống Vĩnh Tuy đón bà về đây. Gia đình ta lại sum họp như trước.
–> Bố mẹ “tôi” là người biết lắng nghe, thấu hiểu tình cảm gia đình là điều thiêng liêng, quý giá nhất.
– Đặc sắc nghệ thuật:
+ Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tình huống truyện: Đơn giản nhưng bất ngờ và giàu cảm xúc, tạo nút thắt, đẩy cảm xúc và mở ra cao trào, góp phần làm nổi bật chủ đề và sự thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm của các nhân vật.
+ Ngôi kể: Ngôi kể thứ nhất phù hợp, tạo độ tin cậy đối với người đọc; giúp nhân vật dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc.
+ Ngôn ngữ, giọng kể: Giản dị, đối thoại tự nhiên, giàu tính kịch góp phần thể hiện rõ tâm lý nhân vật; giọng kể khi chậm rãi, nhẹ nhàng, khi hối hả gấp gáp, vừa thể hiện được tình cảm, cảm xúc của các nhân vật vừa giúp người đọc dễ dàng đồng cảm với nhân vật.
+ Chi tiết nghệ thuật tiêu biểu: Xây dựng được những chi tiết truyện hấp dẫn, góp phần làm nổi bật chủ đề.
+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Nhân vật chủ yếu được miêu tả qua cảm xúc, suy nghĩ, lời nói; qua đó bộc lộ tình cảm bà cháu sâu sắc, tạo sự xúc động nhẹ nhàng, thấm thía.
* Kết thúc vấn đề nghị luận: Đánh giá chung về chủ đề, đặc sắc về nghệ thuật của truyện; liên hệ, rút ra bài học/thông điệp có ý nghĩa với bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất 3 ý trong mỗi luận điểm về chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích truyện để thể hiện đánh giá, cảm nhận cá nhân người viết.
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ, bằng chứng xác đáng, biết phân tích các chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, những đặc sắc về nghệ thuật để làm nổi bật nội dung, chủ đề của tác phẩm truyện.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu và liên kết đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.