Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5.
Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân
Cây già trắng lá
Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ
Cái sống như trăn trở ngày đêm
Tôi lớn lên, lo nghĩ nhiều thêm
Thành phố cũng như tôi đang lớn
Những gác xép bộn bề hy vọng
Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô...
Tôi trở về những ngõ quen xưa
Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự
Tôi trở lại những lối mòn quá khứ
Có tấm tình ta mắc nợ cha ông
(Nhịp chày sương hay tiếng trống thu không
Nét son đượm trên vòm cong mái cổ)
Tôi trở lại những lối mòn tình tự
Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi
Tiếng ve ran những điệp khúc mùa vui...
...Ôi rất lâu rất lâu
Tôi mới lại đi một ngày thong thả
Thành phố như tim tôi êm ả
Sau rất nhiều gian lao.
(Trích Trở lại trái tim mình – Bằng Việt (*), Thơ tuyển 1961 – 2001, NXB Văn học, 2003, tr. 12)
* Chú thích:
(*) Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thường sâu lắng trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng. Bài thơ Trở lại trái tim mình của Bằng Việt đạt Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 1967.
Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Liệt kê những hình ảnh gắn với điệp ngữ Tôi trở về và Tôi trở lại?
Câu 3 (1,0 điểm). Anh/chị hiểu thế nào về câu thơ sau: Tôi lớn lên, lo nghĩ nhiều thêm.
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình trong đoạn trích.
Câu 5 (1,0 điểm). Tâm sự của tác giả trong câu thơ: Có tấm tình ta mắc nợ cha ông gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
Dấu hiệu để xác định thể thơ tự do của đoạn trích: Số chữ trong các dòng không bằng nhau.
* Hướng dẫn chấm:
– Nêu đúng dấu hiệu để xác định thể thơ: 0,5 điểm.
– Làm sai hoặc không làm: 0 điểm.
Câu 2 (0,5 điểm)
Những hình ảnh gắn với điệp ngữ Tôi trở về và Tôi trở lại bao gồm: những bờ đường mùa xuân, những ngõ quen xưa, những lối mòn quá khứ, những lối mòn tình tự.
* Hướng dẫn chấm:
– Nêu đúng theo đáp án hoặc có diễn đạt tương đương: 0,5 điểm.
– Nêu được một nửa yêu cầu: 0,25 điểm.
– Làm sai hoặc không làm: 0 điểm.
Câu 3 (1,0 điểm)
Câu thơ: Tôi lớn lên, lo nghĩ nhiều thêm có thể hiểu là:
+ Khi tác giả lớn lên có nhiều thứ phải lo nghĩ.
+ Trong quá trình trưởng thành của tác giả nói riêng, con người nói chung, chúng ta phải lo toan cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
+ Bên cạnh đó, ngoài việc nhận thức về trách nhiệm trong công việc, gia đình, chúng ta cũng dần nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với xã hội.
=> Vậy nên, câu thơ gợi lên những lo nghĩ của một người trưởng thành khi ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.
* Hướng dẫn chấm:
– Nêu đúng theo đáp án hoặc có diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.
– Nêu được một nửa yêu cầu: 0,5 điểm.
– Nêu được một ý: 0,25 điểm.
– Làm sai hoặc không làm: 0 điểm.
Câu 4 (1,0 điểm)
Diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ: Bắt đầu từ niềm hạnh phúc được trở lại thành phố; đến những suy tư về mối quan hệ giữa thành phố với ân tình của cha ông; những kỉ niệm của thời thanh xuân và kết thúc là sự thanh thản, nhẹ lòng vì được thành phố bao bọc sau những gian lao.
* Hướng dẫn chấm:
– Nêu đúng theo đáp án hoặc có diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.
– Nêu được một nửa yêu cầu: 0,5 điểm.
– Nêu được một ý: 0,25 điểm.
– Làm sai hoặc không làm: 0 điểm.
Câu 5 (1,0 điểm)
Câu thơ Có tấm tình ta mắc nợ cha ông gợi cho ta liên tưởng đến tinh thần uống nước nhớ nguồn – một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở đây, tác giả thể hiện lòng biết ơn, tri ân thế hệ cha ông vì nhờ thế hệ ông cha mà chúng ta mới có được cuộc sống độc lập, tự do, no ấm ngày hôm nay.
* Hướng dẫn chấm:
– Nêu đúng theo đáp án hoặc có diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.
– Nêu được một nửa yêu cầu: 0,5 điểm.
– Nêu được một ý: 0,25 điểm.
– Làm sai hoặc không làm: 0 điểm.
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh thành phố quê hương trong đoạn trích Trở lại trái tim mình ở phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích hình ảnh thành phố quê hương trong đoạn trích Trở lại trái tim mình ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thành phố quê hương được khắc họa với những hình ảnh bờ đường mùa xuân, những đầu hồi gác xép hay những con ngõ nhỏ.
+ Thành phố quê hương còn hiện lên qua những âm thanh gần gũi, bình dị như nhịp chày, tiếng trống thu không, tiếng ve kêu.
=> Thành phố hiện lên với những nét đẹp cổ kính, bình dị gắn với những kỉ niệm tuổi thơ của nhân vật trữ tình.
=> Qua hình ảnh thành phố, tác giả bày tỏ tình yêu quê hương sâu sắc, sự trân trọng, biết ơn đối với thế hệ cha ông và sự nâng niu đối với những kỉ niệm tuổi thơ bình dị.
(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau miễn là hợp lí và thuyết phục; cần xem xét trừ điểm các lỗi về hình thức và diễn đạt.)
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Sự cần thiết phải phát huy tính sáng tạo ở tuổi trẻ.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích:
++ Sáng tạo là khả năng nghĩ ra cái mới, khác biệt, độc đáo và có giá trị.
++ Phát huy tính sáng tạo là chủ động rèn luyện, vận dụng trí tưởng tượng, tư duy mới mẻ vào học tập, công việc và cuộc sống.
+ Bàn luận:
++ Sáng tạo được thể hiện qua việc đề xuất ý tưởng trong học tập, nghiên cứu; khởi nghiệp với mô hình khác biệt; tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học, nghệ thuật;…
++ Tuổi trẻ là giai đoạn vàng để học hỏi và phát triển tư duy vì khả năng tiếp thu nhanh, ít bị ràng buộc bởi khuôn mẫu.
++ Sáng tạo giúp tuổi trẻ khẳng định bản thân, tạo ra giá trị riêng, khác biệt giữa số đông.
++ Việc sáng tạo góp phần thúc đẩy xã hội phát triển về nhiều mặt như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, giáo dục,…
++ Phản đề: Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bạn trẻ thụ động, ỷ lại, lười suy nghĩ, đặc biệt là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhiều bạn trẻ dần trở nên quá phụ thuộc vào AI như ChatGPT, Gemini, DeepSeek,…
++ Để phát huy tính sáng tạo, các bạn trẻ cần không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức từ nhiều nguồn; rèn luyện tư duy phản biện, dám nghĩ khác, làm khác; không ngại thất bại; tích cực tham gia vào những môi trường mang tính sáng tạo, đổi mới;…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.