Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của trường Nguyễn Tất Thành (Đợt 2) SVIP
Đọc văn bản sau:
Ý NGHĨ VỀ THÀNH PHỐ LÚC VÀO XUÂN
(Trích)
(1) “Hàng trăm năm đã nên bãi sa bồi
Hàng ngàn năm đã nên làng nên xóm
Hàng vạn năm đã nên thành phố lớn
Qua bao đời thành phố có nhà tôi”
(2) Căn phòng tôi ở giữa thành phố lớn
Nhỏ nhoi và ẩn khuất mãi bên trong
Nhưng mùa xuân độ lượng công bằng
Xuân đã đến, tôi nhận vào tất cả
Tôi nghe tiếng rì rào trong kẽ lá
Tiếng mùa xuân đang chuyển nhựa lên cành
Tôi nhìn ra bất chợt một màu xanh
Làm trẻ lại những con đường phố xá
Ngạt ngào hương, ngạt ngào hương trong gió
Xuân đi qua vầng trán những ngôi nhà
Sớm xuân này mặt đất đầy hoa
Những gương mặt rạng ngời sau cửa kính
[...]
(3) Sẽ có ngày tóc tôi trắng như bông
Đi giữa dòng người, đi giữa tháng năm
Mà thành phố vẫn xanh như thế đó
Lòng tôi lại yếu mềm như trẻ nhỏ
Khát khao đi, hồi hộp mỗi khi về.
(Xuân Quỳnh, Không bao giờ là cuối, NXB Hội Nhà văn, 2021, tr. 170)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Nêu điểm chung về nhịp thơ trong đoạn (1) của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra những giác quan được huy động để cảm nhận mùa xuân trong đoạn (2).
Câu 3 (1,0 điểm). Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của nhân vật “tôi” với mùa xuân, với thành phố thể hiện trong văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng ở hai dòng thơ:
“Tôi nhìn ra bất chợt một màu xanh
Làm trẻ lại những con đường phố xá”
Câu 5 (1,0 điểm). Mùa xuân này em bước sang tuổi mới. Hãy chia sẻ ý nghĩ về mùa xuân tuổi 15 của em trong khoảng 5 – 7 dòng.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
– Cùng ngắt nhịp 3/5.
– Nhịp thơ chậm rãi, thong thả.
Câu 2 (0,5 điểm)
– Tác giả đã huy động các giác quan để cảm nhận mùa xuân:
+ Thị giác (nhìn thấy màu xanh, con đường, gương mặt...).
+ Thính giác (nghe tiếng rì rào trong kẽ lá...).
+ Khứu giác (ngửi thấy hương trong gió).
Câu 3 (1,0 điểm)
Tình cảm, cảm xúc của nhân vật “tôi”:
– Yêu thương, gắn bó với thành phố nơi mình đang sống, thành phố như ngôi nhà, mái ấm của mình.
– Thích thú, say mê trước sự hiện diện của mùa xuân: “Tôi” rung động trước những tín hiệu nhẹ nhàng mà mùa xuân mang đến trong thành phố. Mùa xuân không chỉ làm trẻ lại cảnh vật mà còn khiến tâm hồn “tôi” hồi sinh, háo hức và say mê hơn với cuộc sống.
=> Đó là những cảm xúc tinh tế, tình cảm tích cực; thể hiện sự lạc quan, yêu đời... của nhân vật “tôi”.
Câu 4 (1,0 điểm)
Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa:
– Giúp cho hình ảnh thơ trở nên sinh động, có hồn và gần gũi với con người: “Con đường phố xá” vốn vô tri vô giác, nay được hình dung như một sinh thể có diện mạo, có tuổi tác, có thể “trẻ lại”, tươi mới và hồi sinh.
– Thể hiện cách diễn đạt mới mẻ, tạo ấn tượng với người đọc về sức sống mạnh mẽ của mùa xuân – mùa xanh.
Câu 5 (1,0 điểm)
HS chia sẻ ý nghĩ cá nhân, nhưng cần chú ý là những ý nghĩ tích cực.
Gợi ý:
– Em cảm thấy mình đang lớn lên từng ngày, không chỉ về thể chất mà cả suy nghĩ, cảm xúc.
– Em bắt đầu biết trân trọng hơn khoảng thời gian bên gia đình, biết yêu những điều bình dị quanh mình.
– Tuổi 15 – lưng chừng giữa trẻ con và người lớn – khiến em vừa háo hức khám phá, vừa có chút bối rối.
– Mùa xuân mới đã khiến em trưởng thành hơn, để tự tin tiến bước về phía trước.
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn (3) của văn bản Ý nghĩ về thành phố lúc vào xuân đã dẫn trong phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm).
Ngoài khung cửa là vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời, của cuộc sống...
Mỗi người trẻ cần phải biết sống chậm lại để không bỏ lỡ những vẻ đẹp ngoài khung cửa hay cần phải tập trung cao độ, tận dụng thời gian để bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại?
Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích được nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn (3) ở văn bản trong phần Đọc hiểu.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng để phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Sau đây là gợi ý:
* Nội dung:
– Đoạn thơ nhấn mạnh vẻ đẹp vĩnh cửu của thành phố qua sự đối lập:
+ “Tóc tôi trắng như bông” – dấu hiệu tuổi tác giữa sự chảy trôi của thời gian “đi giữa dòng người, đi giữa tháng năm”.
+ “Thành phố vẫn xanh như thế đó” – biểu tượng của sự trẻ trung và sức sống bền bỉ.
– Gợi suy ngẫm về sự tri ân và gắn bó:
+ “Lòng tôi lại yếu mềm như trẻ nhỏ” – hình ảnh so sánh cho thấy tình cảm trong trẻo, vẹn nguyên với thành phố quê hương.
+ “Khát khao đi, hồi hộp mỗi khi về” – những từ láy thể hiện tình yêu sâu nặng, bền chặt với quê hương.
* Nghệ thuật: Kết hợp hình ảnh thực và biểu tượng tạo chiều sâu cảm xúc; ngôn từ giản dị, gợi cảm; sử dụng hiệu quả biện pháp tu từ; giọng thơ trầm lắng, suy tư và tha thiết yêu thương.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận trả lời câu hỏi: Mỗi người trẻ cần phải biết sống chậm lại để không bỏ lỡ những vẻ đẹp ngoài khung cửa hay cần phải tập trung cao độ, tận dụng thời gian để bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại?
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trả lời câu hỏi “Mỗi người trẻ cần phải biết sống chậm lại để không bỏ lỡ những vẻ đẹp ngoài khung cửa hay cần phải tập trung cao độ, tận dụng thời gian để bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại?”.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả, con người đứng trước hai lựa chọn: sống chậm lại để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống hay tăng tốc để bắt kịp sự phát triển của xã hội?
– Thân bài:
* Giải thích vấn đề:
+ “Sống chậm” là dành thời gian quan sát, cảm nhận thiên nhiên, con người, giá trị cuộc sống, không bị cuốn vào guồng quay bận rộn.
+ “Tập trung cao độ, tận dụng thời gian” là chủ động, linh hoạt thích nghi với sự phát triển của xã hội, không lãng phí thời gian vào những điều không cần thiết.
* Trình bày quan điểm của bản thân về vấn đề:
+ Nêu quan điểm cá nhân.
+ Sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ quan điểm:
Gợi ý:
++ Ý nghĩa của việc sống chậm để cảm nhận vẻ đẹp ngoài khung cửa:
· Giúp con người cân bằng tâm hồn, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
· Giúp nuôi dưỡng cảm xúc, trân trọng giá trị của thiên nhiên và cuộc sống.
· Tạo cơ hội để lắng nghe bản thân, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.
++ Tầm quan trọng của việc tập trung cao độ để bắt kịp tốc độ xã hội:
· Cuộc sống không ngừng vận động, nếu không nỗ lực sẽ bị tụt hậu.
· Rèn luyện tư duy nhạy bén, khả năng thích nghi với môi trường mới.
· Giúp nâng cao hiệu suất công việc, đạt được thành công trong cuộc sống.
* Mở rộng, liên hệ:
+ Trao đổi với các quan điểm trái chiều hoặc các ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện:
++ Nếu chỉ sống chậm mà không nỗ lực phát triển, con người sẽ dễ trì trệ, thụ động, mất cơ hội.
++ Nếu chỉ chạy theo tốc độ xã hội mà không biết dừng lại tận hưởng, cuộc sống sẽ trở nên căng thẳng, vô nghĩa.
++ Biết khi nào nên chậm lại để cảm nhận và khi nào cần tăng tốc để đạt được mục tiêu.
+ Liên hệ bản thân.
– Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.