Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của trường THPT Chu Văn An SVIP
Đọc đoạn trích sau:
BÀ BÁN BỎNG CỔNG TRƯỜNG TÔI (Xuân Quỳnh)
Lược trích một đoạn: Trước cổng trường nhân vật tôi có bà bán bỏng tóc bạc phơ, lưng hơi còng, rất hiền hậu. Bà bán hàng thường thêm bỏng cho lũ trẻ nên đứa nào cũng thích mua hàng của bà. Một hôm, thẳng Tòng béo lớp tôi phao tin đồn là bà bán bỏng bị ho lao, có thể lây nhiễm. Thế là bọn bạn lớp tôi không còn ra mua hàng cho bà như trước. Tin đó truyền đi khắp trường, hàng bỏng của bà có khi ế đến mấy ngày – không bán nổi. Thế rồi bà không bán bỏng ở cổng trường nữa. Tôi và lũ bạn cũng chẳng ai nhớ tới bà, chúng tôi lại chuyển sang mua ô mai, táo dầm.
Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua mớ rau, tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ. Tôi chỉ nghe tiếng quát mắng to tướng của bà hàng cơm:
– Nướng nhanh lên mà đi cho khuất mắt. Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được...
Bà bán bỏng lật đật đến gần bếp lò run rẩy nhét cái bánh mì vào phía dưới lò. Chứng kiến tất cả cái cảnh ấy tự nhiên tôi thấy thương bà quá. Tôi chạy lại gần bà, ấn vội vào tay bà số tiền mẹ tôi đưa mua rau rồi chạy vụt về. Tôi về nhà kể lại với mẹ tôi mọi việc, mẹ tôi không mắng tôi về việc ấy mà lại trách tôi chuyện khác kia. Mẹ bảo:
– Con giúp đỡ người nghèo là đúng, nhưng con thử nghĩ xem, với số tiền mua rau ấy bà già chỉ sống được một bữa, còn bữa sau thì sao? Đáng lẽ trước kia con và các bạn con đừng tung cái tin "bà bán bỏng ho lao" ra thì chắc bà vẫn sống được tử tế. Đằng này, vô tình con và các bạn con đã hại bà ấy. Các con chưa hiểu được đâu. Chưa hiểu được một người già mà phải đói khát thì khổ đến thế nào...
Mẹ còn nói nhiều nhiều nữa nhưng thấy tôi rân rấn nước mắt nên mẹ thôi. Mẹ lại đưa tiền cho tôi đi mua rau.
Hôm sau đến lớp tôi kể cho các bạn nghe mọi sự việc, kể cả chuyện mẹ tôi đã mắng tôi như thế nào. Các bạn nghe mà ai cũng bùi ngùi cảm thấy mình có lỗi, bỗng có bạn lên tiếng:
– Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?
– Ai bảo? Ai bảo?... – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng.
– Tớ cũng chẳng nhớ – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế.
– Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!
– Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ? Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.
– Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: "Bà cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà." mà tất cả chúng mình phải mua của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.
– Ừ, phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều mua.
– Tất cả.
– Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn sáng bằng bỏng.
(Theo Xuân Quỳnh, Trời xanh của mỗi người, NXB Kim Đồng, 2017, tr 99-106)
Trả lời các câu hỏi (trình bày ngắn gọn):
Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn trích được kể từ ngôi thứ mấy?
Câu 2 (0,5 điểm): Trong đoạn trích, nhân vật tôi bị mẹ trách vì điều gì?
Câu 3 (1,0 điểm): Từ những chi tiết miêu tả nhân vật bà bán bỏng khi tôi gặp bà ở chợ, em có nhận xét gì về hoàn cảnh hiện tại của bà lão?
Câu 4 (1,0 điểm): Biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau có tác dụng như thế nào: “Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được...”?
Câu 5 (1,0 điểm): Nếu em là nhân vật tôi trong truyện, em sẽ rút ra bài học gì cho bản thân sau câu chuyện với bà bán bỏng? (Trả lời bằng một đoạn văn ngắn từ 3 – 5 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1: Đoạn trích được kể từ ngôi thứ nhất.
Câu 2: Nhân vật tôi bị mẹ mắng vì tôi đã cùng các bạn trong lớp tung tin bà bán bỏng ho lao, khiến không còn ai mua bỏng, bà phải nghỉ bán hàng.
Câu 3: Nhận xét về hoàn cảnh của bà lão: nghèo khổ, gầy yếu, tội nghiệp, đáng thương, mất kế sinh nhai nên phải đi lang thang lo ăn từng bữa, bị người khác khinh thường,...
Câu 4: Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:
– Làm nổi bật hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương của bà lão; nhấn mạnh thái độ vô cảm, trách móc của bà chủ hàng cơm với bà lão.
– Giúp câu văn gợi hình, gợi cảm, sinh động, hấp dẫn.
Câu 5:
Rút ra bài học:
– Biết được hậu quả khôn lường của những tin đồn không có căn cứ.
– Phải có trách nhiệm với những việc làm sai trái của mình.
– Biết yêu thương, kính trọng, giúp đỡ những người già cả, những người khó khăn trong cuộc sống,...
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích nhân vật tôi trong đoạn trích ở phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Tình bạn có vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ chưa biết trân trọng tình cảm đáng quý ấy. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ về cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp.
Hướng dẫn giải:
Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích nhân vật tôi trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 150 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật tôi trong đoạn trích.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
– Là một đứa con ngoan, biết nghe lời ba mẹ.
– Có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
– Biết nhận ra lỗi lầm, có trách nhiệm khắc phục lỗi lầm mình phạm phải,…
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2: Viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp.
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận là cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp.
– Thân bài:
* Giải thích:
+ Tình bạn là tình cảm chân thành xuất phát từ những người đồng trang lứa có chung sở thích, lối sống, mục tiêu, môi trường học tập,...
+ Cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp là cách thức, phương pháp để tạo lập, duy trì và phát triển một mối quan hệ bạn bè thân thiết,...
* Bàn luận:
+ Biểu hiện của tình bạn đẹp:
++ Xuất phát từ tình cảm chân thành, quý mến, không vụ lợi.
++ Gần gũi, gắn bó, thân thiết, cùng nhau tiến bộ,...
+ Ý nghĩa khi có một tình bạn đẹp:
++ Giúp chúng ta có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức.
++ Bạn bè là người chia sẻ những buồn vui, là người bạn đồng hành trên mọi chặng đường, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mỗi người.
++ Giúp mỗi người hoàn thiện bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp,... (Dẫn chứng phù hợp).
* Cách xây dựng và giữ gìn một tình bạn đẹp:
+ Tôn trọng lẫn nhau, không vụ lợi hay ích kỉ.
+ Học cách thấu hiểu, lắng nghe và đồng cảm để tình bạn được bền vững và phát triển lâu dài.
+ Không ganh tị, hơn thua với bạn bè.
+ Dành nhiều thời gian hơn bên bạn bè để có thêm nhiều kỉ niệm đẹp.
+ Biết giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống, cùng nhau phát triển.
+ Giải quyết mâu thuẫn (nếu có) thỏa đáng, tránh gây gổ, bạo lực.
* Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác:
+ Phê phán tình bạn giả tạo, thiếu chân thành, vụ lợi.
+ Cần tỉnh táo “chọn bạn mà chơi”.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.