Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của trường THPT Chuyên SVIP
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“… Có lẽ các bạn trẻ ai cũng mang trong mình ước mơ và hi vọng sẽ làm được điều gì đó vĩ đại trong cuộc đời. Nhưng, trước hết, các bạn nên biết rằng điều vĩ đại chỉ sinh ra từ những nỗ lực âm thầm từng bước. Nếu chỉ vẽ lên ước mơ to lớn mà không âm thầm nỗ lực thực hiện thì suốt cả đời ước mơ cũng chỉ là mơ ước mà thôi.
Không có chiếc thang máy tiện lợi nào dành riêng cho cuộc đời mình cả. Chỉ có thể đi lên bằng đôi chân và sức lực của chính mình. Đừng ảo tưởng sẽ có con đường đi tắt, đừng ảo tưởng sẽ có thủ đoạn chớp cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực. Phương pháp tốt nhất thực hiện giấc mơ là tiến từng bước, từng bước chắc chắn như con ốc sên trên con đường thực hiện giấc mơ.
Có lẽ các bạn trẻ sẽ kêu lên rằng: “Bước từng bước như lời ông khuyên thì có mất cả đời cũng chưa chắc đã đi hết một con đường.”. […] Trên thực tế, quá trình tích tụ từng bước, từng bước sẽ tạo ra hiệu quả cấp số nhân như thể có phép thần vậy. Chính những nỗ lực mới, rồi đến một ngày bạn chợt nhận thấy nó chất cao như ngọn núi sừng sững không thể ngờ tới. Đó là phương pháp để biến giấc mơ trong học tập, trong thể thao hay trong công việc thành hiện thực.”
(Trích “Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực”, Inamori Kazuo, dịch giả Phạm Hữu Lợi, NXB Trẻ 2023, tr.94,95)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định một lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, những nỗ lực âm thầm sẽ mang lại điều gì trong cuộc đời con người?
Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Không có chiếc thang máy tiện lợi nào dành riêng cho cuộc đời mình cả.”?
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Chính những thành quả nhỏ nhoi sinh ra nhờ nỗ lực âm thầm mỗi ngày sẽ kéo theo những thành quả và nỗ lực mới, rồi đến một ngày bạn chợt nhận thất nó chất cao như ngọn núi sừng sững không thể ngờ tới.”.
Câu 5 (1,0 điểm). Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm). Lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích: “Bước từng bước như lời ông khuyên thì có mất cả đời cũng chưa chắc đã đi hết một con đường.”.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, những nỗ lực âm thầm sẽ giúp ta làm được những điều vĩ đại, đạt được những thành quả lớn lao; biến giấc mơ thành hiện thực.
Câu 3 (1,0 điểm).
– Hình ảnh “chiếc thang máy tiện lợi” ẩn dụ cho những yếu tố, phương tiện, con đường đi thuận lợi giúp con người thực hiện ước mơ một cách nhanh chóng, dễ dàng.
=> Tác giả khẳng định trong cuộc đời chúng ta không có con đường nào là dễ dàng, nhanh chóng. Thành công của mỗi người phải là sự vươn lên bằng chính đôi chân và sức lực của mình.
Câu 4 (1,0 điểm).
– Biện pháp tu từ: So sánh (so sánh thành quả của việc nỗ lực âm thầm sẽ đến lúc chất cao như ngọn núi sừng sững).
– Tác dụng:
+ Giúp câu văn thêm sinh động, gợi hình, gợi cảm.
+ Giúp người đọc hình dung cụ thể, rõ nét về ý nghĩa của sự nỗ lực âm thầm. Những thành quả nhỏ nhoi được tích luỹ kiên trì và bền bỉ mỗi ngày sẽ mang lại những thành quả lớn lao đến mức đáng kinh ngạc.
Câu 5 (1,0 điểm).
Học sinh trình bày một thông điệp sâu sắc nhất với bản thân và lí giải phù hợp.
– Gợi ý 1 số thông điệp:
+ Không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra.
+ Sống là phải có ước mơ.
+ Hãy tự lập, đi lên bằng chính đôi chân và sức lực của mình.
+ …
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc tự lập trong cuộc sống.
Câu 2 (4,0 điểm).
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích tình cảm của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
“Khi tôi vun trồng xanh những ước mơ
Mẹ gánh mùa dông xuống đồng chiêm mặn
Lội dòng sông tát ánh trăng chống hạn
Cây lúa gầy nhễ nhại giọt phù sa.
[…] Cơn gió Lào cho mắt mẹ âu lo
Cỏ dại mọc tràn bờ xôi, ruộng mật
Đám lá lúa cứa nóng bừng da mặt
Ngọn cỏ gừng đâm nhói những bước chân.
[…] Và tôi như hạt thóc vàng bé nhỏ
Mẹ đã gieo hi vọng ở trên đồng
Chợt lo sợ ngày cuối mùa, hết vụ
Hạnh phúc mẹ chờ chẳng kịp trổ bông.”
(Trích “Mẹ và cánh đồng” – Trần Văn Lợi, “Miền gió cát”, NXB Thanh niên, 2000)
Chú thích: Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại Nam Định, hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định. Với niềm đam mê sáng tạo văn chương, ông không chỉ nổi vật trong lĩnh vực thơ ca mà còn sáng tác nhiều truyện ngắn, tản văn và nghiên cứu phê bình sâu sắc. Thơ Trần Văn Lợi giống tư chất của ông ngoài đời: chân thành, giản dị, trầm lắng mà đằm sâu, tha thiết, thể hiện một tâm hồn phong phú, luôn gắn bó sâu sắc với làng quê, với những con người thân thuộc trong cuộc sống. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: “Miền gió cát” (2000); “Lật mùa” (2005); “Bàn tay châu thổ” (2010); “Đã như là hoá thạch những mồ hôi” (2019); “Qua những mùa trăng” (2015) và “Mùa hoa xoan tím” (2016).
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc tự lập trong cuộc sống.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 150 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của việc tự lập trong cuộc sống.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc tự lập trong cuộc sống.
– Giải thích khái niệm “tự lập”: Là khả năng tự tạo dựng và giải quyết công việc của mình, không phụ thuộc vào người khác.
– Nêu ý nghĩa của việc tự lập trong cuộc sống: Giúp chúng ta chủ động, tự tin thể hiện khả năng của bản thân trong mọi việc, từ đó dễ đạt được thành công; có khả năng giải quyết vấn đề và đối mặt với thử thách; giúp ta phát triển tinh thần sáng tạo và khả năng tư duy độc lập;…
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích tình cảm của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trích từ bài thơ “Mẹ và cánh đồng” của tác giả Trần Văn Lợi.
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích tình cảm của nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
– Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ, tình cảm của nhân vật trữ tình.
– Thân bài:
+ Phân tích tình cảm của nhân vật trữ tình:
++ Con hiểu mẹ có công lao to lớn trong việc nuôi dưỡng ước mơ của con (Mẹ gánh mùa đông, tát ánh trăng chống hạn), bởi vậy con luôn trân trọng, biết ơn trước sự hi sinh thầm lặng của mẹ nhưng cũng có chút day dứt khi nhận ra sự hi sinh ấy.
++ Con xót xa khi hình dung về những lo âu, nhọc nhằn, vất vả, đau đớn mà mẹ đã phải chịu đựng (lá lúa cứa nóng bừng da mặt, cỏ gừng đâm nhói những bước chân,…), tình yêu thương mẹ càng được khắc sâu trong trái tim con.
++ Con cảm nhận sâu sắc tình yêu và niềm hi vọng mà mẹ gửi gắm (tôi như hạt thóc vàng bé nhỏ), điều đó thúc đẩy con phải nỗ lực từng ngày; nhưng con cũng lo sợ có thể không kịp đền đáp công ơn của mẹ (hạnh phúc mẹ chờ chẳng kịp trổ bông).
+ Đánh giá khái quát nội dung và nghệ thuật
++ Nội dung: Đoạn thơ khắc hoạ nỗi vất vả, hi sinh của mẹ, qua đó thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, ý thức về trách nhiệm của con dành cho mẹ.
++ Nghệ thuật: Thể thơ tám chữ; từ ngữ giản dị, gần gũi; hình ảnh thơ giàu sức gợi; các biện pháp tu từ đặc sắc;…
– Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.