Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 6 SVIP
Đọc văn bản sau:
Có một miền quê
(Vũ Tuấn)
Có một miền mọc trắng cỏ Lau
Là quê tôi, đi xa rồi luôn nhớ
Khắc khoải trong tim, bồi hồi nhịp thở
Mong trở về nghe khúc hát mẹ ru.
Có một miền, Lau mọc trắng vần thơ
Là quê hương, cha ngày đêm mong đợi
Áo bạc sờn trong nắng chiều vời vợi
Mồ hôi cha mặn cả những cánh đồng.
Có một miền cho ngô lúa đơm bông
Hạt gạo thảo thơm, vai gầy của mẹ
Như cánh cò thân thương nhỏ bé
Vất vả tảo tần, trong nắng, trong mưa…
Có một miền mà khi tôi đi xa
Luôn muốn về, những trưa hè yên ả
Bát chè xanh, thắm tình quê vất vả
Mẹ gánh cuộc đời, xộc xệch thời gian...
Có một miền tôi chẳng thể nào quên
Quê nội thân thương như bàn tay chai sạn
Khóe mắt nồng cay, trong chiều chạng vạng
Ơi quê nhà! Tôi gọi mãi trong tim...
(In trong tập Quê hương trong tôi, Vũ Tuấn, NXB Văn Học, 2021, trang 48)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Chủ đề của bài thơ là gì?
Câu 2 (0,5 điểm). Trong bài thơ, hình ảnh quê hương được tác giả nhắc đến qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ “Có một miền” được sử dụng trong bài thơ.
Câu 4 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về hai dòng thơ sau?
Áo bạc sờn trong nắng chiều vời vợi
Mồ hôi cha mặn cả những cánh đồng.
Câu 5 (1,0 điểm). Từ thông điệp của bài thơ, em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng trả lời câu hỏi: Người trẻ cần có trách nhiệm gì với quê hương, đất nước?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Chủ đề của bài thơ: Tình cảm gắn bó sâu nặng, nỗi nhớ da diết dành cho quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có cha mẹ và là nơi lưu giữ những ký ức thân thương.
Câu 2 (0,5 điểm) Hình ảnh quê hương được tác giả nhắc đến qua những từ ngữ, hình ảnh: Cỏ lau trắng, khúc hát mẹ ru, những cánh đồng, hạt gạo thảo thơm, ngô lúa đơm bông, cánh cò, bát chè xanh,…
(Học sinh cần tìm được tối thiểu 04 hình ảnh)
Câu 3 (1,0 điểm) Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “Có một miền”:
– Nhấn mạnh sự tồn tại vĩnh cửu của quê hương trong tâm trí của người con xa quê.
– Nhấn mạnh tình yêu thương, niềm nhớ da diết của “tôi” dành cho quê hương.
– Tạo nên sự liên kết, mạch lạc giữa các khổ thơ.
– Tạo nhịp điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cho các dòng thơ.
Câu 4 (1,0 điểm) Ý nghĩa của hai dòng thơ:
– “Áo bạc sờn trong nắng chiều vời vợi”: Thể hiện sự vất vả, lam lũ của người cha. “Áo bạc sờn” là hình ảnh gợi sự mệt mỏi, tần tảo trong công việc đồng áng.
– “Mồ hôi cha mặn cả những cánh đồng”: Nhấn mạnh sự gian khổ, nhọc nhằn mà cha phải trải qua để nuôi con lớn khôn. Hình ảnh mồ hôi của cha tuôn như mưa “mặn cả những cánh đồng” cho thấy hình ảnh người cha bán mặt cho đất bán lưng cho trời đã cực nhọc nhiều năm.
– Hai dòng thơ không đơn thuần chỉ là miêu tả hình ảnh người cha hay công việc lao động vất vả của cha mà qua đó còn ẩn ý về tình thương của cha dành cho con. Đặc biệt, những lời thơ dạt dào cảm xúc cũng chính là tình cảm thương yêu, kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của người con dành cho cha.
Câu 5 (1,0 điểm)
– Hình thức:
+ Mô hình đoạn văn phù hợp, đảm bảo không mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
+ Dung lượng: Ngắn gọn, từ 5 đến 7 dòng.
– Nội dung: Bàn về vấn đề: Người trẻ cần có trách nhiệm gì với quê hương, đất nước?
+ Người trẻ cần có trách nhiệm bảo vệ quê hương, đất nước trong thời đại nhiều biến động thông qua những hành động thiết thực như: giữ gìn bản sắc văn hóa, có lòng tự tôn dân tộc, gìn giữ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thông qua những hoạt động tuyên truyền,…
+ Người trẻ còn cần phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, làm giàu cho quê hương và đất nước bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
+ …
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật trong hai khổ thơ sau:
Có một miền cho ngô lúa đơm bông
Hạt gạo thảo thơm, vai gầy của mẹ
Như cánh cò thân thương nhỏ bé
Vất vả tảo tần, trong nắng, trong mưa…
Có một miền mà khi tôi đi xa
Luôn muốn về, những trưa hè yên ả
Bát chè xanh, thắm tình quê vất vả
Mẹ gánh cuộc đời, xộc xệch thời gian...
Câu 2 (4,0 điểm).
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều người – đặc biệt là giới trẻ – dễ dàng buông lời xúc phạm, mỉa mai, châm chọc người khác trên các nền tảng trực tuyến. Tình trạng “bạo lực ngôn từ” đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, đặc biệt với học sinh.
Từ những hiểu biết của bản thân, em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bàn về tác hại của “bạo lực ngôn từ” và những giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật trong hai khổ thơ 3 và 4 ở phần đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thể thơ tám chữ, có xen những dòng thơ bảy chữ giúp tác giả bộc lộ tình cảm sâu nặng dành cho quê hương xứ sở.
+ Hình ảnh thơ gần gũi, bình dị gợi nhắc đến quê hương: ngô lúa đơm bông, hạt gạo thảo thơm, cánh cò, trưa hè yên ả, bát chè xanh,… Không gian được mở rộng với khung cảnh thân thuộc, chất chứa đầy niềm thương, nỗi nhớ.
+ Các biện pháp tu từ so sánh, liệt kê,… được kết hợp hài hòa tạo nên những tầng nghĩa sâu sắc, gợi hình, gợi cảm.
+ …
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Bàn về tác hại của “bạo lực ngôn từ” và những giải pháp để hạn chế tình trạng này.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích: “Bạo lực ngôn từ” là việc dùng lời lẽ xúc phạm, miệt thị, châm chọc, đe dọa hoặc làm tổn thương người khác thông qua các bình luận, tin nhắn, bài viết… trên các nền tảng trực tuyến.
+ Thực trạng:
++) Xuất hiện phổ biến trên Facebook, TikTok, YouTube, Instagram,…
++) Các hành vi điển hình: body-shaming (miệt thị ngoại hình), dùng từ ngữ tục tĩu, chửi bới, bình luận ác ý dưới bài viết, video,…
++) Nạn nhân không chỉ là người nổi tiếng mà cả học sinh, bạn bè cùng lớp.
++) ...
+ Nguyên nhân:
++) Người dùng ẩn danh, không bị kiểm soát nên dễ buông lời vô ý thức.
++) Thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ hùa theo đám đông.
++) Thiếu giáo dục về văn hóa ứng xử trên mạng.
++) Thói ích kỉ, ganh ghét với người khác, muốn hạ hệ họ.
+ Tác hại:
++) Đối với nạn nhân: Tổn thương tinh thần, mất tự tin, trầm cảm,..; ảnh hưởng đến kết quả học tập và các mối quan hệ xã hội;…
++) Đối với cộng đồng mạng: Tạo ra môi trường độc hại, căng thẳng, mất đi tính tích cực của mạng xã hội; lan truyền sự thù ghét, thiếu lòng cảm thông giữa người với người;…
++) Đối với bản thân của người thực hiện hành vi “bạo lực ngôn từ”: Hình thành thói quen xấu, mất đi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp; tiêu cực hóa mọi vấn đề; mất đi sự tin tưởng, yêu thương của người khác nếu hành vi bị phát giác;…
+ Giải pháp:
++) Mỗi cá nhân cần suy nghĩ trước khi bình luận, học cách tôn trọng người khác.
++) Nhà trường, gia đình cần giáo dục học sinh về văn hóa ứng xử trên mạng từ sớm.
++) Mạng xã hội cần có quy định xử lý bình luận độc hại, công cụ lọc ngôn từ thù ghét.
++) Khuyến khích tạo môi trường mạng lành mạnh, chia sẻ tích cực.
+ Lật lại vấn đề: Trong một vài trường hợp, bạo lực ngôn từ có thể chỉ là sự phản kháng, đấu tranh chống lại cái xấu, cái sai trong xã hội. Nếu không có những lời chỉ trích, không có những phát ngôn mạnh mẽ, liệu có thể thay đổi được những vấn đề như lừa đảo, tham nhũng, sống ảo,… hay những bất công xã hội hay không?
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận, nêu bài học về nhận thức và hành động.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.