Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 8 SVIP
(4,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
GỬI QUÊ
(Trích)
Tôi lớn lên trong vành nôi của sóng
Biển hát ru lúc mẹ bận trên đồng
Vị muối mặn đã biến thành máu thịt
Tôi bạn cùng cua cá với rêu rong
Cát thường cuốn vào ngôi trường tôi học
Sóng vỡ run run nét chữ đầu đời
Đất quê mặn nuôi ước mơ khó nhọc
Lúa ngô thèm màu xanh mướt, khôn nguôi
Thổi không ngơi cơn gió sạm da người
Những nẻo đường rát bỏng bàn chân nhỏ
Sông mùa lũ nước bò vào tận ngõ
Chim hải âu với cò bợ chung đàn.
(Trần Văn Lợi, in trong Miền gió cát, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999, tr.9)
* Chú thích: Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại Nam Định, là nhà giáo, nhà thơ. Những sáng tác của ông luôn thể hiện một tâm hồn phong phú, gắn bó sâu sắc với làng quê, miền hoài cổ, nuối tiếc với những vẻ đẹp đã qua. Một số tập thơ đã xuất bản của tác giả: Miền gió cát (2000), Lật mùa (2005), Bàn tay châu thổ (2010),…
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra những vần được gieo trong văn bản trên.
Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ:
Đất quê mặn nuôi ước mơ khó nhọc
Lúa ngô thèm màu xanh mướt, khôn nguôi
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra những dòng thơ miêu tả không gian của quê hương, từ đó cho biết quê hương của nhân vật trữ tình hiện lên như thế nào?
Câu 5 (1,0 điểm). Từ nội dung của văn bản, em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người. (Trình bày 5 – 7 dòng)
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
– Thể thơ: Tám chữ.
Câu 2 (0,5 điểm)
– Những vần được gieo trong bài thơ: "ong" – "sóng", "đồng", "rong"; "oc" – "học", "nhọc"; "o" – "nhỏ", "ngõ".
Câu 3 (1,0 điểm)
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: Nhân hoá.
– Tác dụng: Giúp hình ảnh quê hương hiện lên chân thực, sinh động và có hồn hơn. Ở đây, biện pháp tu từ nhân hoá không chỉ gợi lên sự khắc nghiệt, khó khăn của một vùng quê miền biển nghèo khó, thiếu thốn (Đất quê mặn nuôi ước mơ khó nhọc) mà còn thổi vào những sự vật của quê hương – lúa, ngô – hồn người biết khát khao, trăn trở, hi vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp.
Câu 4 (1,0 điểm)
– Những dòng thơ miêu tả không gian quê hương trong bài thơ: Cát thường cuốn vào ngôi trường tôi học; Đất quê mặn nuôi ước mơ khó nhọc; Lúa ngô thèm màu xanh mướt, khôn nguôi; Thổi không ngơi cơn gió sạm da người; Những nẻo đường rát bỏng bàn chân nhỏ; Sông mùa lũ nước bò vào tận ngõ; Chim hải âu với cò bợ chung đàn.
– Nhận xét: Qua những hình ảnh trên, tác giả đã khắc hoạ một cách chân thực không gian quê hương – một vùng quê miền biển đầy nắng, gió với biết bao thiếu thốn, gian khổ như đất mặt, gió nóng, lũ lụt, cây cối khó sinh trưởng,… Song, mảnh đất này cũng là nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, khát vọng, lí tưởng của nhân vật trữ tình. Vì thế, qua việc khắc hoạ không gian quê hương, tác giả cũng thể hiện sự xúc động, tri ân đối với quê hương của mình.
Câu 5 (1,0 điểm)
– Từ nội dung của bài thơ, ta thấy quê hương không chỉ đơn thuần là nơi chôn rau cắt rốn mà còn lại nguồn cội nuôi dưỡng cả tâm hồn và thể chất mỗi con người.
– Từ nội dung trên, học sinh nêu cảm nhận, suy nghĩ của mình về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người. Có thể theo hướng: Quê hương là nơi lưu giữ những kỉ niệm khó phai; là điểm tựa tinh thần cho mỗi con người; giúp con người can đảm vượt ra mọi trở ngại trong cuộc sống;…
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Thống kê điểm thi môn Lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia từ năm 2017 – 2019 cho thấy: Năm 2019, có đến 70% số bài thi dưới 5 điểm, 4.3 là điểm trung bình môn, thấp nhất trong 9 môn thi. Điểm trung bình môn Lịch sử luôn thấp nhất trong mấy năm gần đây, năm 2017 là 4.6, năm 2018 là 3.79.
Từ thực trạng trên, em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) để đề xuất những giải pháp phù hợp để học sinh thêm yêu thích môn học này và nâng cao được điểm số trong các kì thi.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung:
++ Đề tài: Quê hương.
++ Chủ đề: Tình yêu, sự tri ân của một người con vùng biển nghèo dành cho quê hương.
++ Nội dung: Qua những hình ảnh mô tả không gian quê hương – một vùng quê miền biển nghèo khó, tác giả không chỉ thể hiện tình yêu sâu sắc dành cho quê hương mà còn thể hiện một cách thầm kín, cảm động sự tri ân, lòng biết ơn đối với quê hương mình.
+ Về nghệ thuật:
++ Hình ảnh miêu tả thiên nhiên bình dị, gần gũi, thân thuộc nhưng cũng đầy sức sống, gắn bó sâu sắc với cuộc sống của con người: Sóng vỡ run run nét chữ đầu đời là hình ảnh ẩn dụ cho thấy sự đồng hành của quê hương trong hành trình, học tập của mỗi đứa trẻ trên mảnh đất ấy. Hay như hình ảnh Sông mùa lũ nước bò vào tận ngõ vừa gợi lên sức mạnh của thiên nhiên, vừa cho thấy sự thân thiện của thiên nhiên, hoà quyện với đời sống con người.
++ Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, giàu sức gợi hình, gợi cảm, phù hợp với vẻ đẹp bình dị của quê hương ven biển.
++ Các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn vừa tạo nên những hình ảnh chân thực, sinh động về quê hương, vừa tạo ấn tượng với bạn đọc, kết hợp với nhịp thơ chậm rãi, uyển chuyển càng giúp lời thơ dễ chạm đến trái tim người đọc.
=> Sự kết hợp giữa những yếu tố trên góp phần tạo nên một bức tranh quê hương ven biển vừa chân thực, vừa giàu cảm xúc.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Đề xuất những giải pháp phù hợp để học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử và nâng cao điểm số môn học này trong các kì thi.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Khái quát thực trạng của vấn đề: Điểm thi của môn Lịch sử nhiều năm đứng thấp nhất trong các môn thi. Điều này phần nào phản ánh thực trạng dạy Sử, học Sử trong các trường học hiện nay trong khi môn Sử cũng là một môn học quan trọng.
+ Lí giải nguyên nhân của vấn đề:
++ Từ phía chương trình: Nội dung còn khá nặng khiến giáo viên, học sinh cảm thấy áp lực, quá tải; một số bài được triển khai theo hướng tích hợp với môn Địa lý nên đôi khi cũng khiến giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận;...
++ Từ phía giáo viên và nhà trường: Phương pháp dạy học chưa đổi mới, chưa tạo được sự hấp dẫn với người học, chưa ứng dụng được công nghệ vào giảng dạy,…
++ Từ phía học sinh: Lối học còn máy móc, chưa có ý thức tìm hiểu thêm về môn học, lối suy nghĩ học chỉ để phục vụ thi cử,…
+ Đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề:
++ Đối với nhà trường: Rút gọn, tinh giản những nội dung không trọng tâm; đưa Lịch sử đến gần hơn với đời sống của học sinh qua các hoạt động ngoại khoá;...
++ Đối với giáo viên: Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình dạy học,…
++ Đối với học sinh: Tự giác tìm hiểu thêm các kênh thông tin khác về Lịch sử qua các nguồn như Youtube, TikTok,… Học sinh có thể tham khảo các kênh như Đuốc Mồi, EZ Sử,…; chủ động tìm hiểu, soạn bài học trước khi lên lớp; tóm tắt bài học thành những sơ đồ để học tập hiệu quả hơn;…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.