Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Tự luận SVIP
I. ĐỌC HIỂU (6.0 ĐIỂM)
VIỆT NAM CÓ THÊM DI SẢN VĂN HÓA ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI
Tối 04/12/2024 (theo giờ Việt Nam), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại Cộng hòa Paraguay, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là 1 trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hoá phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27/4 Âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất, Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang. Bà Chúa Xứ là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng.
(Hình ảnh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam)
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Lễ hội nhằm tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.
[…]
(Hoài Phương, Nga Phạm, Việt Nam có thêm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, báo Quân đội nhân dân điện tử qdnd.vn, ngày 04/12/2024)
Câu 1. (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. (0.5 điểm) Văn bản cho biết vào tối ngày 04/12/2024 (theo giờ Việt Nam), di sản nào của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Câu 3. (1.0 điểm) Phần sa-pô (sapo) nằm ở vị trí nào của văn bản, có đặc điểm hình thức ra sao?
Câu 4. (1.0 điểm) Chỉ ra 1 phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản trên và nêu tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ đó.
Câu 5. (1.0 điểm) Chỉ ra 1 trạng ngữ có trong văn bản và nêu tác dụng của trạng ngữ đó.
Câu 6. (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu nêu suy nghĩ của em về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là thuyết minh.
Câu 2. Văn bản cho biết vào tối ngày 04/12/2024 (theo giờ Việt Nam), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Câu 3. Phần sapo (sa-pô) của nằm ở ngay dưới nhan đề văn bản, có đặc điểm hình thức: ngắn gọn, chữ được in đậm.
Câu 4. Văn bản sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ là hình ảnh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Tác dụng: góp phần thể hiện rõ nội dung văn bản, giúp người đọc có cái nhìn cụ thể và trực quan, sinh động hơn về Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Câu 5. HS chỉ ra được 1 trạng ngữ và nêu được tác dụng của trạng ngữ đó.
Ví dụ: trạng ngữ Tối 04/12/2024 (theo giờ Việt Nam) của câu đầu tiên trong văn bản có tác dụng chỉ thời gian.
Câu 6.
– Đảm bảo hình thức đoạn văn với dung lượng 5 – 7 câu.
– Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn, tập trung trình bày tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc:
+ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú nền văn hóa toàn nhân loại.
+ Thúc đẩy sự phát triển của du lịch.
+ Giáo dục và truyền thụ cho thế hệ trẻ những giá trị tốt đẹp.
– Đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
II. VIẾT (4.0 ĐIỂM)
Viết bài văn trình bày ý kiến về hiện tượng bắt nạt trong trường học.
Hướng dẫn giải:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài – thân bài – kết bài.
b. Xác định đúng yêu cầu của bài văn nghị luận: suy nghĩ về hiện tượng bắt nạt trong trường học.
c. Triển khai yêu cầu của bài
HS có thể triển khai bài làm theo nhiều hướng khác nhau, đảm bảo các yêu cầu sau:
* Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận: bắt bạt trong trường học.
* Thân bài: đưa ra ý kiến bàn luận, kết hợp sử dụng lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến:
– Giải thích: bắt nạt trong trường học là hiện tượng nhức nhối, thể hiện ở sự bạo lực về cả thể chất và tinh thần.
– Nguyên nhân:
+ Ý thức kém, cách sống thiếu văn minh của người thực hiện bắt nạt.
+ Sự giáo dục, quản lí lỏng lẻo của gia đình, nhà trường.
+ Sự suy đồi đạo đức của xã hội.
– Hậu quả:
+ Gây tổn thương về mặt thể chất, tinh thần đối với người bị bắt nạt.
+ Hình thành xu hướng sống bạo lực, quan điểm lệch lạc ở người thực hiện bắt nạt.
+ Góp phần khiến môi trường học, xã hội trở nên kém văn minh, kém phát triển.
– Giải pháp:
+ Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, học cách sống nhân ái, bao dung.
+ Gia đình, nhà trường, xã hội cần chú trọng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
* Kết bài: khẳng định vấn đề, liên hệ bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp: đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ, sinh động.